Thành quả quan trọng
Bình Thuận là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bình Thuận còn là 1 trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của quốc gia. Thực hiện chủ trương kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng - an ninh, Bình Thuận đạt nhiều kết quả. Nổi bật, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) giai đoạn 2018 - 2022 bình quân đạt 7,64%/năm. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển được đầu tư, nâng cấp; vận tải đường biển tuyến Phan Thiết - Phú Quý hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và du khách.
Hạ tầng giao thông không ngừng phát triển, nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: khu neo đậu tránh trú tàu cá – cảng cá ở La Gi, Phan Thiết, Phú Hài, Phan Rí, Liên Hương, Phú Quý. Các tuyến đường huyết mạch, chủ yếu là 4 tuyến quốc lộ: 1A, 55, 28, 28B và các tuyến tỉnh lộ, sân bay Phan Thiết mang tính lưỡng dụng, đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh vừa phục vụ dân sinh kinh tế, vừa có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng - an ninh. Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, ngư dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên biển, đảo được thực hiện hiệu quả. Tỉnh ủy đã lãnh đạo củng cố, phát triển thế trận lòng dân tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân. Xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, đảm bảo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: quốc phòng tại chỗ, cơ động tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Công tác đối ngoại quốc phòng được quan tâm đẩy mạnh, nhất là việc kết nghĩa giữa Bộ CHQS tỉnh với Tiểu khu Quân sự tỉnh Kampong Chhnang (Quân khu đặc biệt, Quân đội Hoàng gia Campuchia).
Bên cạnh, hạ tầng bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin cũng tiếp tục phát triển mạnh, bảo đảm phục vụ dân sinh kết hợp với phục vụ quốc phòng - an ninh. Hạ tầng mạng điện thoại viễn thông, internet tiếp tục được đầu tư phát triển và mở rộng từ tỉnh xuống các huyện, xã, kể cả vùng nông thôn, miền núi, hải đảo trong toàn tỉnh. Song song đó, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin xấu, độc trên không gian mạng được tập trung chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong theo dõi, nắm tình hình, xử lý các vụ việc, đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 - 16 tỉnh và Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong thực hiện các giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thế trận quốc phòng toàn dân
Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn lại quá trình thực hiện 2 nghị quyết trên cũng cho thấy có một số mặt còn hạn chế. Đáng lưu ý, công tác chủ động dự báo, nắm bắt tình hình có lúc, có việc chưa tốt; hoạt động của lực lượng cốt cán chính trị có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng tàu cá ngư dân đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong khi đó theo dự báo, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ngày càng công khai, quyết liệt, trực diện hơn. Cùng với những động lực, thời cơ thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng mang lại nhiều thách thức, khó khăn đan xen trong xây dựng, phát triển đất nước. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện 2 nghị quyết trên, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh cần thực hiện tốt phương châm: “Đảng vững, nước giàu, dân yên, quân mạnh, thêm bạn, bớt thù”. Trên cơ sở nắm vững quan điểm nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về lòng tự hào dân tộc; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Tiếp tục phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tập trung triển khai hiệu quả Đề án nâng cao khả năng phòng thủ đảo Phú Quý giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đóng góp vai trò quan trọng trong phòng thủ trên biển của tỉnh, Quân khu, là căn cứ hậu cần cho quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng Bình Thuận thành khu vực phòng thủ vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng cả trong thời bình lẫn thời chiến. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng theo dõi, nắm tình hình và xử lý kịp thời các đối tượng thù địch phản động, phần tử cơ hội, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Nâng cao năng lực tác chiến điện tử, phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng; xây dựng, phát triển không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Kịp thời đăng tải, chia sẻ những thông tin chính thống, phản bác những thông tin sai sự thật; lan tỏa những điều tốt đẹp về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao khả năng chọn lọc thông tin, phân biệt đúng, sai, nâng cao “sức đề kháng” với những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. Cán bộ, đảng viên phải nâng cao trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định của tổ chức Đảng, Nhà nước và quy định của Luật An ninh mạng. Không để thông tin xấu, độc, không đúng sự thật tràn lan ảnh hưởng đến sự phát triển, đến những điều tốt đẹp, ảnh hưởng đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu có kỷ luật kỷ cương, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, bám sát phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội...