Theo dõi trên

Đảo An Bang chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi

16/01/2025, 05:13

Hải trình đi thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa, tôi có dịp cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc tết đảo An Bang. An Bang được ví như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Sáng mãi tinh thần quyết giữ đảo

Đảo An Bang cách Cam Ranh 320 hải lý, cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài 21 hải lý về phía Tây Nam. Đảo An Bang nằm trên nền bãi san hô ngập nước, cấu trúc của đảo như một cây nấm san hô khổng lồ tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi hệ thống tường chắn sóng cao 2m. Địa hình của đảo chạy dài theo hướng Bắc - Nam. Nhìn từ xa, chúng ta dễ dàng nhận thấy đảo An Bang khi nơi đây có các công trình nhà ở được đầu tư kiên cố, vững chắc, có bãi đáp máy bay trực thăng. Trên đảo có hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời, mạng điện thoại Viettell,… Thế nhưng, để có được thành quả ấy là cả một quá trình xây dựng, kiên quyết bám trận địa, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang.

dsc00661.jpg
Nhìn từ xa, đảo An Bang nổi bật với ngọn hải đăng các công trình kiên cố.

Tiếp tôi tại phòng đọc sách, Thiếu tá Dương Ngọc Tấn – Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ nhiều về tình hình của đảo, về những khó khăn, khắc nghiệt mà An Bang đã và đang đối diện. Song, nổi bật trên tất cả là tinh thần, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt khó của cán bộ, chiến sĩ đảo để thực hiện hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngược dòng lịch sử, đầu tháng 3/1978, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Máy bay, tàu thuyền nước ngoài liên tục hoạt động xâm phạm vùng trời, vùng biển, thực hiện các hoạt động trinh sát đảo của ta. Tháng 11/1978, Hải quân Malaysia cho tàu chiến vây ép đảo An Bang trong suốt 11 ngày đêm, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn luôn đoàn kết, không sợ hy sinh, sẵn sàng chiến đấu, bình tĩnh đối phó với địch, buộc họ phải rút khỏi khu vực.

dsc00733.jpg
Bãi đáp trực thăng ở đảo An Bang.

Trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang nằm ở phía Nam. An Bang có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đảo An Bang cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù từ hướng biển, có nhiệm vụ khống chế các loại máy bay quân sự, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia.

dsc00723.jpg
Hệ thống năng lượng gió và pin mặt trời ở đảo An Bang.

Tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Hải quân

Đảo An Bang không có giếng nước ngọt, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, bề mặt phủ một lớp mùn mỏng, nghèo chất dinh dưỡng, rất khó cho cây cối phát triển nên việc trồng rau xanh vì thế gặp rất nhiều khó khăn. “Trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang vẫn không nản lòng, luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chắt chiu, tiết kiệm từng giọt nước ngọt để trồng cây. Tinh thần yêu đảo, yêu biển của cán bộ, chiến sĩ cũng từ đây tiếp tục nảy nở và phát huy. Đảo An Bang từ đảo đá san hô trở thành một hòn đảo xanh tươi. Điều đó cho thấy, càng trong gian khó, phẩm chất người quân nhân cách mạng càng ngời sáng” – Thiếu tá Thân Minh Phúc – Chỉ huy trưởng đảo An Bang khẳng định.

Giờ đây dưới các tán cây lớn là những giàn bí trĩu quả, vườn rau xanh tươi tốt. Những năm trước đây, đảo còn phải phụ thuộc vào nguồn rau xanh cung cấp từ đất liền, thì nay đảo đã tự túc hoàn toàn nhu cầu sinh hoạt. Hiện nay, đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được bảo đảm và không ngừng được nâng lên. Các phân đội chiến đấu được trang bị ti vi LCD, có hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Phòng đọc sách, báo trên đảo có gần 2.300 đầu sách và trên 26 đầu báo, tạp chí các loại, 1 tủ sách pháp luật, có các trạm thu, phát sóng FM, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã cập nhật kịp thời những thông tin, nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Điều nổi bật khác ở An Bang khi nơi đây có ngọn hải đăng cao 23m. Với độ quét xa 16 hải lý, từ lâu hải đăng An Bang đã trở thành địa chỉ tin cậy, như một người bạn song hành giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Năm 2023, đảo An Bang còn khám, cấp thuốc cho 25 lượt ngư dân. Trong năm 2024, đảo tiếp tục khám và cấp thuốc cho 110 ngư dân, cấp cứu 4 ngư dân, điều trị 5 ngư dân, thường xuyên hỗ trợ nước ngọt cho ngư dân khi vươn khơi ra đánh bắt hải sản. Nơi đảo xa, những cán bộ, chiến sĩ ở An Bang vẫn tích cực tham gia đóng góp vào quỹ “Vì người nghèo”, quỹ tiết kiệm đồng đội... Những việc bình dị mà cao quý ấy cứ lan tỏa, càng tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân” trong lòng nhân dân.

Thiếu tá Thân Minh Phúc cho biết, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn đoàn kết và điều đó đã trở thành “điểm sáng” để vượt qua mọi khó khăn, luôn cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đảo. Tháng 4/2012, đảo được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, cùng nhiều bằng khen, phần thưởng vinh dự khác.

LÊ PHÚC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Nhớ lời Bác dặn
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ‏“‏Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Theo Người, ‏“‏biển bạc” chính là của cải vật chất, là sự giàu có nếu khai thác tốt tiềm năng, đi liền với bảo vệ biển; biển, đảo chứa đựng tài nguyên có giá trị về kinh tế, nối liền không gian kinh tế đất nước với khu vực và thế giới. Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảo An Bang chủ quyền Tổ quốc giữa trùng khơi