Theo dõi trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng đào tạo theo địa chỉ

30/03/2017, 09:12

BT- Trong năm qua, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), (Đề án 1956) có bước chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo.

 “Hút” nghề may

Là nghề có tỷ lệ giải quyết việc làm cao, trong năm 2016 nghề may công nghiệp theo Đề án 1956 thu hút gần 1.500 học viên theo học. Đây cũng là nghề có số lượng học viên theo học cao nhất trong 23 nghề phi nông nghiệp, bởi là nghề thành công nhất trong việc đào tạo nghề kết hợp giải quyết việc làm. Trong đó, Trung tâm GDNN-GDTX La Gi hàng năm đều đào tạo lao động nghề may có tay nghề cao ở địa phương vào làm việc tại Công ty cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp tổ chức đào tạo và tuyển dụng hàng trăm công nhân cho Công ty TNHH May Thuận Tiến. Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết trực tiếp đào tạo lao động tại chỗ và phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận tuyển dụng nhân lực ở các lĩnh vực công nghệ may… với số lượng mỗi năm hàng trăm công nhân. Xí nghiệp May Tuy Phong cũng phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX Tuy Phong tuyển dụng và đào tạo tại chỗ hơn 150 công nhân.

Chị Mai Bạch Phượng - thị xã La Gi cho biết: Trước đây tôi có ý định vào TP. Hồ Chí Minh tìm việc gì đó để làm, nhưng được bạn bè giới thiệu học nghề may nên tôi đã theo học. Sau khi học xong, tôi được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè. Giờ đây tôi đã quen và làm tốt công việc tại xưởng, tôi rất vui và yên tâm vì đã có nghề trong tay, có nguồn thu nhập ổn định và được hưởng nhiều đãi ngộ của công ty. Còn chị Nguyễn Thị Kim Anh - TP. Phan Thiết chia sẻ: Vì không có nhu cầu học lên cao nên sau khi tốt nghiệp THPT tôi đã xin vào làm tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết. Trước khi làm, tôi được đào tạo ngắn hạn với mức lương cơ bản, sau khi hoàn thành khóa học tôi được công ty ký hợp đồng chính thức. Bây giờ công việc đã ổn định và mức lương cũng tốt hơn.

 Định hướng học nghề sát nhu cầu

Ông Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết: Mặc dù kết quả thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT đạt và vượt kế hoạch đề ra là 103,01%, nhưng hiện nay việc đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều bất cập, thiếu ổn định, chưa phát triển đồng đều giữa các địa phương. Có nhiều nơi đào tạo nghề LĐNT chưa đạt kế hoạch đề ra như: TP Phan Thiết chỉ đạt 69,78%; huyện Tuy Phong đạt 85,87%. Nhiều nghề đào tạo LĐNT không tuyển được học viên như cắt gọt kim loại, chế biến thủy sản, điện dân dụng, lễ tân khách sạn, pha chế thức uống, phục vụ buồng… Bên cạnh đó, việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng nghề tại một số huyện chưa sát với nhu cầu của người dân và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Để đạt mục tiêu đào tạo 7.000 LĐNT trong năm 2017 cần có sự quan tâm hơn của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Trước hết là khảo sát, định hướng học nghề sát với nhu cầu của người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của từng nơi. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động nhận thức đúng về ý nghĩa của việc học nghề, tìm việc làm, thu nhập ổn định sau khi được học nghề. Đặc biệt, không tổ chức dạy và học nghề khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học theo chỉ đạo của Trung ương. Tập trung đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chú trọng đào tạo theo địa chỉ