Theo dõi trên

Đất trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc đang bị lấn chiếm: Lập chốt bảo vệ rừng trồng “điểm nóng” Sông Bình

26/06/2023, 06:00

Như chúng tôi đã đề cập trong bài điều tra 2 kỳ tuần trước “Đất trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc đang bị lấn chiếm”, tình trạng phá rừng trồng tại khu vực 367 ha xã Sông Bình (Bắc Bình) chưa có dấu hiệu dừng lại. Mới đây, một số diện tích rừng trồng bạch đàn mới một năm tuổi đã bị cày ủi nhằm xâm chiếm đất trái phép!

“Ngay trong ngày 20/6/2023, Tổ bảo vệ rừng Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận vào kiểm tra, chăm sóc diện tích rừng non khu vực 367 ha, bất ngờ phát hiện xe máy cày đang cày ủi những cây bạch đàn non chưa đầy 1 năm tuổi, đã yêu cầu người điều khiển máy cày dừng ngay phá hoại cây trồng. Tổ bảo vệ rừng xúc tiến kiểm tra hiện trạng ở đây cho thấy 4,45 ha rừng bạch đàn mới trồng vào mùa mưa năm ngoái đã bị cày ủi đổ rạp. Hàng loạt thân cây non nớt nằm ngả nghiêng, đang ngả màu úa héo trên những luống đất rừng trồng bị cày nham nhở vẫn còn mới mẻ; chứng tỏ hành vi phá hoại cây trồng chỉ một vài ngày nay”, một nhân viên bảo vệ rừng cho hay.

img_8503.jpg
 Công an xã Sông Bình vào kiểm tra lập biển bản rừng trồng bị hủy hoại

 

img_8504.jpg
 Công an xã Sông Bình kiểm tra thực trạng rừng trồng khu vực 367 ha bị cày phá

Ông Hà Việt Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận cho biết: “Theo Tổ bảo vệ rừng xác minh thông tin từ người điều khiển máy cày vào ngày 20/6, một đối tượng ở xã Phan Thanh, Bắc Bình, thường xuyên lên khu vực 367 ha lấn chiếm đất đã thuê xe máy cày san ủi bạch đàn mấy ngày qua, gây thiệt hại rừng trồng không nhỏ cho đơn vị. Chúng tôi đã báo cáo vụ việc phá hoại cây trồng trên với Tổ kiểm tra lấn chiếm đất đai theo Quyết định số 100 của UBND xã Sông Bình”. Ngay ngày hôm sau, Công an xã Sông Bình đã có mặt tại hiện trường, kiểm tra thực trạng, lập biên bản phá hoại rừng trồng của Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận. Hiện vụ việc đang được Công an xã Sông Bình điều tra tìm đối tượng chủ mưu để xử lý theo quy định.

img_8505.jpg
 Diện tích bạch đàn mới 1 năm tuổi bị cày phá
img_8507.jpg
 Thân cây bạch đàn non bị đổ rạp

Cũng tương tự như ở “điểm nóng” 367 ha xã Sông Bình, vào ngày trước đó (19/6/2023), một tổ bảo vệ rừng khác của Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận đã phát hiện, bắt giữ 2 chiếc xe máy cày hủy hoại 4,9 ha rừng keo lá tràm tại khu vực xã Bình An, huyện Bắc Bình. Xí nghiệp đã báo cáo vụ việc với chính quyền địa phương để phối hợp xử lý.

Trước tình trạng phá hoại rừng trồng đang diễn biến phức ở một số khu vực do xí nghiệp quản lý, diện tích 150 ha rừng trồng (bạch đàn, keo lá tràm) năm ngoái trên địa bàn huyện Bắc Bình cũng có nguy cơ dễ bị một số đối tượng lấn chiếm đất rừng lâu nay, thuê máy cày lén lút cày phá, hủy hoại cây non để lấn chiếm. “Trước tiên, xí nghiệp điều động các tổ bảo vệ rừng luân phiên, tăng cường kiểm tra ở các khu vực có diện tích rừng trồng vào năm ngoái, nhất là tại khu vực 367 ha xã Sông Bình. Nếu phát hiện rừng trồng bị hủy hoại thì báo cáo ngay Tổ kiểm tra theo Quyết định số 100 của xã Sông Bình, hoặc UBND xã khác trên địa bàn để phối hợp, kịp thời ngăn chặn, xử lý. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (chủ quản Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận) đang xúc tiến thành lập chốt bảo vệ rừng trồng tại “điểm nóng” khu vực 367 ha thuộc xã Sông Bình, để đội ngũ bảo vệ rừng luân phiên, túc trực thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng trồng của xí nghiệp, nhất là các nơi rừng trồng mới trên địa bàn xã Sông Bình; hạn chế tối đa rừng trồng lại nhiều lần, tránh lãng phí ngân sách của đơn vị”, ông Cao Văn Nhân, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết.

“Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình Huỳnh Duy Khôi đề nghị Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận có kế hoạch cụ thể về thời gian, khu vực lấn, chiếm gửi UBND huyện để huyện chỉ đạo Phòng TN & MT, Công an, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND xã Sông Bình xác lập hồ sơ ban đầu, xử lý phù hợp” - Thông báo kết luận số 229/TB-UBND, ngày 20/5/2022 của huyện về giải quyết tình hình lấn, chiếm đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

THÁI KHOA- THỤY KHANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đất trồng rừng phủ xanh đồi trọc đang bị lấn chiếm. Bài 2
Bài 2: Cần “tiếng nói” chung trong xử lý
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đất trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc đang bị lấn chiếm: Lập chốt bảo vệ rừng trồng “điểm nóng” Sông Bình