Khoác trên vai chiếc ba lô từ vùng đất Tây Nguyên trở về thăm quê sau bao ngày xa nhớ, lòng tôi nôn nao bao điều khó tả. Xa quê hương thấm thoát đã hơn 30 năm kể từ ngày rời làng quê lên thành phố học; tôi đã có những trải nghiệm cho bản thân sự va vấp, thành công và thất bại của cuộc đời… Quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên cũng như bao vùng quê khác; lúa, gạo, rau hoa tự sản xuất; cá, cua, ếch, chim… dễ kiếm từ đồng ruộng, nương rẫy, chỉ mất tiền mua những thứ gia vị cần thiết cho chế biến thức ăn. Chỉ cần bỏ ít thời gian đi dọc theo các bờ ruộng, hoặc đặt vài cái bẫy trên bãi cát khô là buổi trưa có ngay một bữa canh, đĩa thịt nướng như mong muốn. Rau xanh thì quanh bờ mương, dọc theo các bãi bồi là có đủ các loại. Món tôi ưa thích nhất là những trái đậu bắp xanh, non, căng mọng quyến rũ, khi luộc lên chấm với chao gọi là “ngà voi chấm óc khỉ” đã theo tôi nhiều năm khi tuổi còn trẻ thơ.
Quê tôi vùng đất cát pha, nhờ dòng chảy của bãi cát bồi nên quanh năm không thiếu nước bao giờ. Tuy nhiên vào giữa mùa mưa, chừng khoảng vào đầu tháng bảy âm lịch xung quanh đất vườn nhà ba mẹ tôi thường trồng những luống đậu bắp phục vụ cho các bữa ăn hàng ngày có thêm phần rau xanh, nếu được số nhiều cũng bán ra thị trường kiếm ít tiền mua thêm cá mắm. Đậu bắp là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi với vùng nhiệt đới nóng ẩm. Vùng đất cát quê tôi luôn tơi xốp, nhiệt độ phù hợp với việc nảy mầm của cây đậu, nên không cần chuẩn bị gì nhiều; chỉ cần làm sạch đất, đánh lỗ, bón phân cho hạt vào thì độ nảy mầm đạt trên 90%. Làm cỏ, chăm sóc kỹ thì khoảng chừng 45 đến 50 ngày cây sẽ cho trái, và thời gian thu hoạch kéo dài được hơn cả tháng. Theo các nhà khoa học, ăn đậu bắp có lợi cho đường ruột, có tác dụng nhuận tràng hỗ trợ cho chứng bệnh rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, chất xơ của đậu bắp giúp điều chỉnh đường huyết, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa cho phụ nữ mang thai.
Mẹ tôi nói: “Sống ở thành phố như con mà thích món ăn dân quê như vầy là hiếm lắm đó nghen. Nhưng đó là món ăn đơn giản, ít dưỡng chất và thuốc trừ sâu, nếu con thích thì mẹ có ngay cho con một nồi”. Những lời mẹ nói làm lòng tôi nghèn nghẹn, ngọt ngào tuôn chảy khắp tâm can.
Lần nào cũng vậy, khi về quê thăm mẹ, giỗ ba trong những ngày tháng bảy mưa ngâu, tôi luôn nhìn thấy trên mảnh đất sau nhà có những hàng đậu bắp xanh mơn mởn tốt tươi. Tuy hôm nay đã lớn tuổi, mẹ tôi không còn làm được nhiều như trước, nhưng mẹ luôn nghĩ rằng những hàng đậu bắp do mẹ trồng, tuy không được bao nhiêu, nhưng sẽ làm cho đứa con xa quê hương khi về thăm mẹ có ý nghĩa ngàn lần, vì mẹ biết rằng đó là sở thích của đứa con trai yêu dấu của mình. Đã rất nhiều lần tôi thử hỏi vì sao đậu bắp mẹ trồng lại ngon hơn những thứ đậu bắp tôi thường mua nơi phố thị. Có lẽ, những cây đậu bắp từ đồng đất làng quê yêu dấu, được chăm sóc bằng đôi bàn tay nhăn nheo và cả tấm lòng yêu thương nhớ con da diết của mẹ, nên nó ngon. Giữa mùa hè nóng nực sắp sửa bước sang mùa thu, ngồi bên mâm cơm cúng ba, cùng ăn với mẹ nơi quê nhà, mồ hôi lấm tấm rơi, uống một ngụm nước luộc đậu bắp, ăn những trái đậu non xanh bên ánh mắt chan chứa yêu thương của mẹ tôi cảm nhận càng thấm đượm vị ngon của tình cảm gia đình, món đậu bắp một thời nuôi tôi khôn lớn càng thêm ý vị, ngọt ngào.