Theo dõi trên

Đầu tư phát triển – gặt hái thành công

19/06/2023, 05:06

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy: Kinh tế của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,76%, đứng trong top 15 cả nước là minh chứng cho điều này. Kết quả đạt được bước đầu khẳng định việc lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là đúng và trúng trong điều hành.

Quan tâm đến các công trình trọng điểm

Một vấn đề mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước gần đây thường nhắc đến là khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chính vì vậy mà Chính phủ đã có chỉ đạo nếu bộ ngành, địa phương nào chậm giải ngân đầu tư công sẽ bị điều chuyển vốn, là lời cảnh báo, buộc lãnh đạo các nơi phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đối với Bình Thuận, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai chỉ đạo, điều hành các công việc như, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, chính thức thông xe hai đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến ngày 31/5/2023, đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 1.292.011 triệu đồng (đạt 26,54% kế hoạch), trong đó: nguồn vốn ngân sách tỉnh 660.743 triệu đồng, đạt 21,78% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 631.268 triệu đồng, đạt 37,12% kế hoạch; riêng vốn ngoài nước (ODA) chưa giải ngân.

Sản xuất giấy tại Khu công nghiệp

Trong nửa năm đầu, Bình Thuận tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Bằng chứng là rất nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, đại sứ quán các nước đến thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đây là tín hiệu đáng mừng với nền kinh tế của tỉnh nhà trong thời gian sắp tới, khi mà các điểm nghẽn về giao thông đã được giải quyết. Từ đó, các nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, ký biên bản ghi nhớ hợp tác thỏa thuận với Bình Thuận ở nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu, cụm công nghiệp; tạo điều kiện để các chủ đầu tư sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp: Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức. Ngoài ra tỉnh đã đôn đốc các chủ đầu tư đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; giá trị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đạt 52 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn có 47 nhà máy điện đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523,21 MW.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa  được tổ chức khánh thành

Cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp

Đối với thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 13 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 642,63 tỷ đồng; có 13 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng là 5.803,04 tỷ đồng; 2 dự án đưa vào hoạt động. Thường xuyên rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để thúc đẩy tiến độ triển khai; đồng thời đã thu hồi 2 dự án chậm triển khai thực hiện theo quy định.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư (trong ảnh: giao dịch tại ngân hàng)

Một động thái mới nữa là tỉnh kiên quyết chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc triển khai không đúng mục đích, mục tiêu của dự án, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Đồng thời triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra để đảm bảo không trùng lặp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Dự án điện gió tại Bình Thuận

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 293 doanh nghiệp, giảm 21,24% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký mới là 3.342,67 tỷ đồng. Thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh 250 doanh nghiệp, tăng 16,28% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh là 47 doanh nghiệp, giảm 6% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 104 doanh nghiệp.

Đường ĐT 719B

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế trong nửa năm còn lại, tỉnh xác định đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công như: Cầu Văn Thánh; Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, sớm phê duyệt chủ trương xây dựng kè Cà Ty kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm); khởi công chung cư sông Cà Ty, đẩy nhanh tiến độ triển khai đường ĐT 718B, đường Hàm Kiệm – Tiến Thành, đường liên huyện dọc tuyến kênh chính qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh hồ sơ dự án hồ Ka Pét, hồ La Ngà 3 để có cơ sở triển khai những bước tiếp theo.

Hy vọng với sự khởi sắc trong phát triển kinh tế từ quý đầu năm và nửa năm, với định hướng rõ ràng trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng của Bình Thuận sẽ còn tăng trong nửa năm cuối 2023.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH ĐÌNH HÒA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phát triển ngoại thương, mở rộng thị trường nội địa và quốc tế
Những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2023, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, đối ngoại, ngoại thương đã gắn kết thị trường nội địa với thị trường quốc tế, bước đầu tạo lập được một hệ thống doanh nghiệp và doanh gia tương đối năng động, biết vận dụng các quy luật thị trường, biết phát huy các yếu tố nội lực và ngoại lực để phát triển.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư phát triển – gặt hái thành công