Thất thu từ đầu vụ
Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại phường Mũi Né (Phan Thiết). Khung cảnh các bãi trước, bãi sau Mũi Né không tấp nập như thường thấy. Sau khi kết thúc vụ bấc, bà con ngư dân lại tất bật vào vụ cá nam từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch. Đây là vụ cá chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa tây nam, nhiệt độ nước biển tăng lên, cá nổi di chuyển từ ngoài khơi vào gần bờ. Thường thì thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi nên hoạt động của ngư dân trên biển dễ dàng hơn. Tuy nhiên những tháng đầu vụ cá nam, sản lượng khai thác đạt thấp. Tại bãi sau Mũi Né hàng chục chiếc tàu đang chuẩn bị xuất bến cho chuyến biển tiếp theo. Nét mặt thoáng buồn khi chúng tôi hỏi về kết quả chuyến biến vừa qua, ngư dân Nguyễn Bá Tòng ở khu phố 15, phường Mũi Né nói: “Từ ra tết đến nay, hầu như chuyến nào cũng thua đậm. Như chuyến này, tàu của chúng tôi đi hai ngày chỉ thu được 2 tấn cá các loại, nếu trừ chi phí xăng dầu là lỗ. Chỉ khi được 3 - 4 tấn cá mới có lãi”. Một ngư dân khác tâm sự: “Thường thì những tháng đầu năm luôn là thời điểm dễ đánh bắt nên chúng tôi tranh thủ ra khơi càng sớm càng tốt. Nhưng năm nay tình hình khai thác không thuận lợi, mươi chuyến biển may mắn mới có 2 - 3 chuyến có lãi, nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu”.
Không riêng gì những chủ tàu đánh bắt gần bờ, những chủ tàu đánh bắt xa bờ cũng đều chung tâm trạng không vui sau thời gian đầu ra khơi đánh bắt vụ nam. Theo một số ngư dân bám biển lâu năm, nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt vụ nam năm nay giảm sút do ngư trường đang có xu hướng ngày càng cạn kiệt nguồn hải sản làm cho ngư dân thất thu. Những loại hải sản truyền thống mọi năm đánh bắt được khá phong phú với nhiều loại có giá trị cao như mực nang, mực ống, ốc hương, cá ngừ… thì năm nay nhiều loại vắng bóng. Thay vào đó nhiều loại cá nục nhỏ, cá cơm… nhưng những loại này bán giá thấp nên khó đem lại lợi nhuận cao cho ngư dân. Mặt khác, vì đánh bắt không có lãi, trong khi đó kinh phí dầu, công cán cho bạn tàu ngày càng tăng lên nên càng khó khăn.
Ngư dân bám biển còn… khó
Toàn phường Mũi Né có 408 tàu đánh bắt thủy sản với tổng công suất 58.413CV, trong đó có 219 tàu >90CV hoạt động đánh bắt xa bờ. Vụ cá nam là vụ đánh bắt chính của ngư dân với sản lượng hàng năm đạt hơn 11.000 tấn, đem lại nguồn thu nhập chính cải thiện đời sống ngư dân. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa - Phó Chủ tịch UBND phường Mũi Né cho biết: “Không chỉ Mũi Né mà một số xã ven biển khác sản lượng đánh bắt đầu vụ cá nam giảm sút so với mọi năm. Đây là khó khăn chung nên ngư dân cần khắc phục, bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp tục vươn khơi bám biển. Bởi cũng như nhiều nghề khác, nghề biển cũng có thời điểm thuận lợi, khó khăn. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích ngư dân ra khơi đánh bắt để nâng cao thu nhập cũng như đảm bảo kế hoạch khai thác hải sản đề ra”.
Cũng theo bà Hoa, hai ngành nghề kinh tế chính của địa phương là khai thác thủy sản và kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân chưa có Khu neo đậu tàu thuyền Mũi Né nên cứ đến vụ cá nam thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, tranh giành bãi biển. Để hạn chế tình trạng này, UBND phường đã thành lập đội liên ngành kịp thời giải quyết khi có mâu thuẫn tranh chấp khi xảy ra, nhưng đây cũng cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Mặt khác, hiện nay tuyến đường ra biển quá hẹp không đáp ứng được việc chở cá cho ngư dân. Tại bãi sau Mũi Né, chỉ có một con đường duy nhất người dân vừa đi tắm biển và khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá. Vì vậy, đến vụ cá chính trong năm, ngư dân lại phải thuê đất của các dự án du lịch với giá cao để vận chuyển cá.
Thanh Duyên