Theo dõi trên

Đẩy đuổi “giặc mặn”

17/09/2024, 05:11

Mùa này, ở hạ nguồn, sông Phan chảy với tốc độ đúng như tên gọi của nó. Nước tràn đôi bờ và những cái cản rất sáng tạo của người dân ở đây, mà tôi được nghe, bây giờ cũng không còn.

Như trận địa bị trống

Mưa liên tục những ngày qua khiến 300 trụ thanh long của vườn nhà ông Thông Văn Đức, ở thôn Hiệp Phước, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam như bừng lại sức sống. Những mảng xanh, có cả bông đang nở rải rác xuất hiện trên bộ dây với đủ hình dạng báo hiệu đã tàn úa như bị thúi, bị bạc đầu, bị khô cằn… Đây là bằng chứng của vườn thanh long bị nhiễm mặn, lặp đi lặp lại hết mùa khô năm này qua mùa khô năm khác rồi lại được rửa mặn lặp đi lặp lại hết mùa mưa năm này sang mùa mưa năm khác. Mùa mưa năm nay cũng thế. Hiện đang giữa mùa mưa, nước sông Phan dâng cao đổ ra ngập cửa biển Ba Đăng nên đất 2 bên bờ sông đã rửa mặn. Cộng thêm lượng mưa đổ xuống rửa trôi dây nên có tín hiệu trên nhưng đã 14 năm như thế, bây giờ bộ rễ đã không phát triển và không thể cứu vãn nổi nữa.

h-n.-lan-2-.jpg
Đập ngăn mặn, giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất tạm thời trong mùa nắng ở Tân Thuận. Ảnh: N.Lân

Ông Đức đang có kế hoạch nhổ trụ phá bỏ nhưng đang băn khoăn không biết trồng lại thanh long hay chuyển sang trồng dừa, mít, tre tứ quý… như các hộ có đất kề bên. “Nếu trồng dừa, mít, tre tứ quý… thì sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ nhiễm mặn vào mùa khô như trồng thanh long. Vì những cây trồng này có bộ rễ sâu và không phải tưới tiêu nhiều như thanh long nhưng thu nhập không thể bằng thanh long” – ông Đức bần thần.

Đúng là giá thanh long năm nay quá hấp dẫn, đến hàng mùa, dù đang bị ảnh hưởng bão lũ cũng đang có giá từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Dù giá có lúc lên lúc xuống nhưng sản xuất thanh long như đang tham gia cuộc chơi xổ số kiến thiết và có thể trúng nhiều lần, không nhiều tiền thì ít nhưng cao hơn các cây trồng khác. Cũng nhờ đó, gia đình ông Đức mới mua được một mảnh vườn khác ở cuối thôn Hiệp Hòa, từ mấy năm trước và là nguồn thu thứ 2, khi nguồn thứ 1 bị suy giảm vì nhiễm mặn. Đó cũng là lý do không chỉ gia đình ông Đức mà hơn 300 hộ của làng chăm Mư Ly và nhiều người dân khác ở xã Tân Thuận đều canh tác cây thanh long với tổng diện tích khoảng 1.800 ha toàn xã.

Nếu nhìn từ trên cao sẽ thấy vùng nguyên liệu thanh long của xã đều hình thành ven sông Phan, con sông được hợp từ nhiều nhánh suối ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh chảy qua huyện Hàm Tân sang huyện Hàm Thuận Nam đổ vào địa phận xã Tân Thuận, trước khi hòa vào cửa Ba Đăng (Tân Hải - La Gi) ra biển. Với vùng cát, lại chưa có hồ chứa nào, chuyện có một dòng sông chảy qua ở hạ nguồn chẳng có gì chắc chắn sẽ đủ nước. Thế nên, vào mùa khô, năm nào cũng thế, sông Phan đều cạn nước. Ở đôi bờ của nó, có thể kéo dài nhiều cây số với thanh long bao quanh, cũng có nghĩa lượng nước ngầm bị khai thác cho tưới thanh long ngày một khốc liệt. Và đó cũng là lúc nước ngầm tụt sâu, như bỏ trống trận địa cho nước biển xâm nhập, nhất là những khi chiều xuống, thủy triều ào ạt đẩy từ biển vào sông Phan kéo đến tận cầu treo gần UBND xã.

Song song với hình ảnh nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, những vườn thanh long 2 bên bờ cũng bắt đầu giảm năng suất, lan rộng theo thời gian. Nhà nhà đều bị xao xác, khi mảnh vườn như cần câu cơm của gia đình đang bị nước biển tấn công từng phút, từng giây được ví như giặc mặn. Từ ấy đến nay, bà con đã ngăn giặc này bằng cách đắp những cái cản nước mặn, cản nước ngọt…  

14 năm đẩy đuổi

Mùa này, ở hạ nguồn, sông Phan chảy với tốc độ đúng như tên gọi của nó. Nước tràn đôi bờ và những cái cản rất sáng tạo của người dân ở đây, mà tôi được nghe, bây giờ cũng không còn. Chúng tôi đứng ở nơi mà vào mùa khô, nhìn ra sông là đúng vị trí của cản thứ nhất hay nói cách khác là cản đầu tiên, chặn nước biển vào sông. Có thể nói cản đầu tiên được người dân có vườn bị ảnh hưởng đã nghĩ ra và góp công, góp tiền mua bao dào cát, cọc cừ… đắp lên từ mùa khô năm 2007 là sự sáng tạo thiết thực nhưng chỉ mang tính tạm thời. Vì vào mùa mưa, ngay những cơn mưa đầu mùa nặng hạt cũng đã phá cản, đẩy trôi ra biển. Mùa khô năm sau, cản thứ 1 lại được đắp lại, rồi trước sự công phá quá mạnh của nước mặn, dân lại đắp thêm cản thứ 2 lùi về phía đất liền. Mùa mưa lại về, các cản đều bị phá trôi ra biển. Cứ thế, mùa khô tới, dân lại góp công, góp tiền để đắp lại cản. Không dừng ở 2 cản ngăn nước mặn với chi phí khoảng 60 triệu đồng, dân ở đây còn đắp 4-5 cản khác trên sông sâu về phía đất liền để giữ nước từ đập dâng sông Phan xả về cho sản xuất với chi phí khoảng 20 triệu đồng/cản. Tính ra, mỗi năm từ năm 2010, thời điểm nhiễm mặn nặng đến nay, ở khúc sông này mất khoảng 150 triệu đồng cho đắp cản và tất cả đều trôi ra biển, khi mùa mưa về.

z5836315869672_c8831a08cf16115f339dbeb482b8965f.jpg
Vườn thanh long nhiễm mặn bị bỏ hoang.

Nhưng dù như thế, nước biển vẫn xâm nhập vào sâu đất liền, lan ra theo thời gian. Đến thời điểm này, thống kê của xã Tân Thuận cho thấy hàng năm có khoảng 220 ha của 315 hộ dân trong xã bị thiệt hại do xâm nhập mặn nặng; khoảng 300 ha của 390 hộ bị thiệt hại nhẹ, do không chủ động nước tưới, bị nhiễm mặn nhẹ. Những thôn bị nặng là Hiệp Lễ, Hiệp Phước, Hiệp Hòa, vốn là những nơi có cộng đồng người Chăm lẫn người Kinh sinh sống. Trước sự tấn công của giặc mặn, người dân ở đây đã “chung lưng đấu cật” đẩy đuổi trong 14 năm qua.

“Tính tiền đóng góp trên từng đầu trụ thanh long. Cứ vườn ở gần sông tính từ 1.000 - 2.000 đồng/trụ, vườn ở xa sông từ 1.000 - 500 đồng/trụ. Cứ thế, nhân lên, nhà đóng nhiều nhất cũng gần 5 triệu đồng” – ông Thông Văn Đức, già làng của làng Chăm Mư Ly nói một hơi như là công việc đã rất bình thường, đã quen. Làng Chăm Mư Ly của ông có 305 hộ định cư rải ở 4 thôn nhưng trong đó khoảng 250 hộ ở 2 thôn Hiệp Phước, Hiệp Hòa có vườn thanh long bị nhiễm mặn nặng lẫn nhẹ. Năm nào, bà con người Chăm cũng góp tiền, góp công cùng với những người dân khác trong vùng đắp cản. Và việc thu chi đắp cản cũng rất bài bản, chưa gây điều tiếng gì hay bị rạn vỡ tình đoàn kết, vì tiền. Bởi dân bầu 1 tổ gồm 5 người để điều hành công việc trên sao cho bảo đảm hạn chế thấp nhất nước mặn xâm nhập vào đất liền. Dù không như mong đợi nhưng ít nhất qua những nỗ lực ấy, một số người dân ở đây cũng có nguồn thu để tích góp mua đất ở xã Tân Hải (thị xã La Gi) trồng lại thanh long. Đồng thời qua đó cũng thấy lấp lánh tinh thần đoàn kết, tinh thần của ổn định, phát triển.

“Đến mùa khô năm tới, có lẽ bà con không còn đủ sức đóng góp làm cản nữa. Vì diện tích thanh long bị nhiễm mặn nặng, dân bỏ hoang vườn thanh long cũng nhiều hơn. Đang hy vọng dự án đập ngăn mặn sông Phan sớm khởi công để bắt đầu lại”- ông Đức nói với ánh mắt hy vọng. Khi tôi đang viết những dòng này, thì cơ quan chức năng cũng đang rà soát lại phương án đầu tư nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất của ngăn mặn, phòng lũ của dự án và sẽ triển khai trong thời gian tới. Sẽ kết thúc cuộc đẩy đuổi giặc mặn của dân Tân Thuận…

Cứ như giống ở sự trắc trở, năm 2021, dự án Đập ngăn mặn sông Phan được phê duyệt chủ trương đầu tư với kinh phí 19 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương nhưng vì không kịp giải ngân nên phải dừng. Hiện dự án đã được điều chỉnh chủ trương đầu tư, nâng mức vốn lên 47 tỷ đồng, đảm bảo yếu tố ngăn mặn, phòng lũ…

PHÓNG SỰ: BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc cấp huyện
BTO - Ngày 14/9, UBND huyện Tuy Phong tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc cấp huyện năm 2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy đuổi “giặc mặn”