Khối thi đua 4 gồm 13 thành viên, năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ giữ vai trò khối trưởng, khối phó cùng với các đơn vị khác như Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Dân dụng và Công nghiệp, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhiều công trình phần việc ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới. (ảnh tư liệu).
Nổi bật phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, các đơn vị trong khối đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, trong kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước, các đơn vị đều chú trọng nội dung này và triển khai nhiều công trình có ý nghĩa. Điển hình là công trình ánh sáng an ninh tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh, cải thiện hệ thống chiếu sáng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng đời sống khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tế. Những dự án này mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, giúp người dân tiếp cận công nghệ, cải thiện năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp. Sở Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo mục tiêu đề ra với tổng kinh phí đầu tư hơn 758 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường được xây dựng mới, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung vốn để hỗ trợ các đề án giao thông nông thôn, chương trình nước sạch nông thôn và thực hiện các công trình như “Ánh sáng an ninh” tại thôn Bình Thắng, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình; Tuyến đường thanh niên tự quản tại thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình…
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, giúp đội ngũ công chức, viên chức nâng cao nhận thức, đổi mới tác phong làm việc, đề xuất nhiều sáng kiến cải tiến. Trong năm qua, các đơn vị đã phát động phong trào tìm kiếm giải pháp cải cách hành chính, chuyển đổi số, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng. Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Khu thực nghiệm Công nghệ sinh học. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm thu nhập, đồng thời là điểm tham quan, học tập cho nhiều đơn vị, trường học. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều mô hình sản xuất gắn với khoa học – công nghệ. Mô hình lúa SRI hữu cơ đạt VietGAP cho năng suất 5,5 tạ/ha, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu đồng so với sản xuất thông thường. Mô hình thâm canh sầu riêng đạt VietGAP cho năng suất 22 tấn/ha, lợi nhuận 1,4 tỷ đồng/ha, cao hơn 55 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Tổ chức FAO đã cấp chứng nhận VietGAP cho 40/40 ha sầu riêng. Ngoài ra, tiếp tục triển khai 13 mô hình khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất lúa VietGAP, ứng dụng giống lúa mới chất lượng cao...
Ông Nguyễn Hoài Trung – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, các đơn vị trong khối tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tập trung tạo dấu ấn trong cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đồng thời phát huy sáng tạo trong phong trào thi đua để đạt nhiều thành tích nổi bật hơn trong năm 2025.