Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ phát biểu chỉ đạo |
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 37, toàn tỉnh phát hành 90 tập lịch sử, nâng tổng số từ năm 1984 đến tháng 6/2018 đạt 206 tập lịch sử. Ở cấp tỉnh, Tỉnh uỷ phát hành các tập sách: “Căn cứ Khu Lê Hồng Phong trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, 1950-1975”; “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận” (tập III, 1975-2005); phối hợp với Quân khu 7 tổ chức hội thảo, xuất bản sách “Căn cứ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975)”. Các sở, ban, ngành, mặt trận đã in một số sách như: “Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận (1945-2000)”; “Lịch sử công tác Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Thuận (1930-2010)”; “Lịch sử hình thành và phát triển Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh Bình Thuận (1975-2010)”... Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương của các cấp các ngành được tập trung thực hiện. Các tập sách lịch sử xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử Đảng bộ tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương. Đội ngũ cán bộ chuyên trách các huyện, thị, thành ủy còn thiếu và yếu. Mặt khác, người trực tiếp biên soạn chủ yếu là cán bộ hưu trí, chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế, nên một số công trình chất lượng còn hạn chế.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng và Chỉ thị số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành, huyện, cơ quan, đơn vị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành rà soát, điều chỉnh những bất hợp lý, những khó khăn về chế độ kinh phí, phương tiện, điều kiện để đẩy mạnh thực hiện. Đồng thời, chủ động tổ chức tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các cấp trong phạm vi toàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án đưa nội dung lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương vào giảng dạy ở trường học trên địa bàn tỉnh. Riêng các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai và hoàn thành biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của cấp mình giai đoạn kháng chiến, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ đạo Ban Tuyên giáo cấp huyện, thị, thành ủy biên soạn nội dung đề cương tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống phổ biến trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân.
T.HÀ