Kẻ gian lợi dụng vào đầu các buổi học, giờ tan trường khi không có giáo viên để hành động. Tình trạng này đã xảy ra từ vài năm trước nhưng kẻ gian vẫn chưa bị bắt dù nhiều trường đã báo cáo và công an đã vào cuộc.
Đã có nhiều trường hợp học sinh lớp 1, lớp 2, thậm chí lớp 5 bị đối tượng lừa lấy đồ trang sức và bỏ rơi ở một nơi quá xa trường học khiến các bé hoảng sợ, gia đình bất an. Em M.H - học sinh lớp 1 mếu máo kể lại: “Cô ấy nói là mẹ con nói đưa đôi bông tai cho cô đi đổi cho đôi khác đẹp hơn. Vừa nói, cô ấy vừa lột đôi bông tai của con”. Em B.C lớp 2 kể, cô ấy nói: “Cô là bạn của mẹ con, mẹ nói con đưa đôi bông tai cho cô để bán lấy tiền mua cho B.C (kẻ gian nhìn vào bảng tên để gọi tên cô bé) một bộ đầm mới”. Đứa bé mới khoảng 7 tuổi tin lời và ngoan ngoãn lột bông tai đưa cho kẻ lạ mặt.
Cũng có vài trường hợp khi học sinh không chịu lên xe, đối tượng vừa đánh vừa la lên: “Con cái gì mà lỳ, nói lên xe hoài mà không lên”. Người đi đường nhìn thấy ngỡ mẹ đánh con nên cũng chẳng ai có ý kiến gì. Thế rồi kẻ gian chở các em ra khỏi địa bàn, lột nữ trang, tẩu thoát để lại cô bé đứng chờ suốt cả buổi sáng vì không biết đường về nhà. Nhiều em may mắn gặp được người quen đưa về, có em không nhớ số điện thoại của gia đình nên rất khó khăn mới tìm được cha mẹ để đón về. Trẻ bị kẻ lạ dụ dỗ và tin lời dù với bất cứ lý do gì thì các em cũng thiếu kỹ năng tự vệ. Đây thuộc về lỗi của người lớn, bởi xã hội càng hiện đại, càng tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy. Gia đình phải là nơi đầu tiên trang bị cho trẻ kỹ năng này. Trẻ cần được dạy tuyệt đối không nghe lời người lạ, không tin điều họ nói và không bao giờ được đi theo với bất cứ lý do gì. Dạy trẻ không được tin lời người lạ, kể cả người nhận là bạn của ba mẹ, thậm chí biết cả tên ba mẹ và tên của bé. Trường hợp nhận ra họ là hàng xóm hay người quen thì bé hãy vào trường báo cho cô giáo biết rồi nhờ cô gọi cho bố mẹ để xác minh xem có đúng là họ được nhờ đến đón không.
Nếu đã vào trường mà bị người lạ tới làm quen, không được đứng nói chuyện, cần chạy tới nơi có thầy cô, có người lớn trong trường để thông báo. Không được nhận quà từ người lạ dù đó là món quà mình rất thích, vừa từ chối, vừa đi khỏi nơi ấy. Nếu bị đánh mắng và khống chế như trường hợp một học sinh lớp 5 ở trên, cần dạy bé giãy đạp, la hét thật lớn để người xung quanh nhìn thấy giúp đỡ. Cần tập cho bé thuộc số điện thoại của ba mẹ, đã có nhiều em đi lạc hoặc khi có việc cần nhưng không thể liên lạc được với gia đình vì trẻ không nhớ số điện thoại của ai trong gia đình.
Để rèn cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình trước người lạ như thế, ngoài cha mẹ dạy dỗ ở nhà, thầy cô cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục các em. Kỹ năng này được hình thành không phải ngày một ngày hai mà cần có thời gian và sự kiên trì. Hàng ngày, ba mẹ nên cùng con chơi những trò chơi tình huống, sắm vai, ba mẹ hãy đố con nói gì, làm gì khi ở trong các hoàn cảnh như thế. Từ những câu chuyện thực tế trong cuộc sống, trên các phương tiện thông tin… ba mẹ sẽ kể cho các bé nghe và giúp con hiểu cách giải quyết để tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ở trường, những kỹ năng này luôn có trong những bài học đạo đức, trong nhiều bài giảng của thầy cô. Sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, hy vọng ngày càng hạn chế những sự việc xảy ra như trên để ngôi trường sẽ là nơi an toàn nhất đối với trẻ.
Phan Tuyết