Theo dõi trên

Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đến nay như thế nào?

27/05/2024, 05:06

Đó là câu hỏi của Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đặt ra trong chương trình thảo luận, góp ý tại Tổ 15 (gồm các Đoàn: Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái, Bình Phước) về dự thảo báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nhất trí cao với dự thảo báo cáo của Chính phủ, cũng như các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình ra kỳ họp Quốc hội lần này. Nội dung báo cáo đã đánh giá khá toàn diện, rõ nét về kết quả đạt được ở từng lĩnh vực, nhất là trong những tháng đầu năm 2024 đã có sự bứt phá, sự tập trung vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng kiến nghị cần đánh giá, bổ sung một số nội dung vào dự thảo báo cáo và kiến nghị một số vấn đề để bổ sung đánh giá, làm rõ thêm về kết quả triển khai thực hiện “Đề án của Chính phủ về trồng 1 tỷ cây xanh phát động giai đoạn 2021 - 2025” đến nay (năm 2024) kết quả như thế nào?

105bc4508d2880166ea7ca56ff9c4fd1(1).jpg

Theo đại biểu Linh, việc triển khai thực hiện Đề án này là hết sức cần thiết, mang lại nhiều ý nghĩa rất thiết thực, nhất là trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho từng địa phương và ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhất là góp phần khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài như những tháng đầu năm 2024 vừa qua. Nội dung Đề án đã đề ra mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng (triển khai 690 triệu cây trồng phân tán ở khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới, rừng sản xuất), nhưng đến nay đã triển khai đến đâu, hướng tới như thế nào? Cần được đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, sâu kỹ trong báo cáo và đây cũng xem như một bước để chuẩn bị cho việc tổng kết Đề án vào năm 2025.

Ở góc độ khác đại biểu Linh đề xuất cần quan tâm hơn đến chế độ cho cán bộ làm công tác bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng, vì đây là vấn đề mà bà con cử tri rất quan tâm, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc (nhất là bà con cử tri ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Hiện nay, chế độ khoán bảo vệ rừng rất thấp, chưa tương xứng với đặc thù công việc bảo vệ rừng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm của các đối tượng phá rừng, thường xuyên phải đi tuần tra ở những nơi địa bàn hiểm trở, phức tạp… Do đó, cần quan tâm tăng chế độ cho cán bộ bảo vệ rừng và mức khoán bảo vệ rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, để kịp thời động viên, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác này, đây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Chính phủ cần có cơ chế đặc thù về đất đai cho các hộ nghèo nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo theo phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động để đến năm 2025 đạt mục tiêu đề ra là xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 100% hộ nghèo. Vì thực tiễn triển khai cho thấy còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như: mặc dù vốn đã được phân bổ theo kế hoạch, nhưng có trường hợp hộ nghèo không có đất, thiếu quỹ đất, cơ chế... do đó Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để giải quyết khó khăn về đất đai cho hộ nghèo…

PHÚC THẮNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đường có tên, nhưng số nhà còn bất cập
Đường có tên, nhà có số, tuy là chuyện nhỏ, nhưng lại hệ lụy đến bao nhiêu điều khác trong cuộc sống, khi có tên đường, nhưng lại gắn số nhà không đúng hoặc có tên đường, nhưng không có số…Tại khu dân cư Trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết (Phường Phú Thủy – Phan Thiết) được hình thành khoảng năm 2010.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đến nay như thế nào?