Theo dõi trên

Đề cao trách nhiệm giải trình

01/08/2017, 08:37

BT- Trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền địa phương là một nội dung quan trọng của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Chỉ số này được thực hiện từ năm 2011 đến nay thông qua việc đánh giá trách nhiệm giải trình với người dân của 63 tỉnh, thành theo phương pháp điều tra xã hội học ngẫu nhiên với ba nội dung chính: Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền, hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân và hiệu quả của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Theo PAPI năm 2016, về  “Trách nhiệm giải trình với người dân” Bình Thuận đạt 5,2/10 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành. Tuy giảm 0,37 điểm, nhưng tăng 14 bậc so với năm 2015, đây là một kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là chỉ số nội dung thành phần về mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền, Bình Thuận chỉ đạt 2,08/3,33 điểm, xếp thứ 45/63, giảm 36 bậc so với năm 2015. Qua khảo sát việc người dân tiếp xúc với chính quyền để giải quyết các khúc mắc chưa nhiều, còn hạn chế (tỷ lệ tiếp xúc với trưởng thôn, khu phố là 23,19%; với cán bộ công chức xã là 15,34%; các đoàn thể là 10,32% và HĐND cấp xã là 8,37%). Đối với việc đáp ứng kiến nghị, chỉ có 10,54% người dân cho biết khiếu nại, tố cáo được trả lời thỏa đáng (cả nước là 50%). Về hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chỉ có 41,6% người dân biết cấp xã có Ban Thanh tra nhân dân và 77,4% người dân cho rằng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân hiệu quả (cả nước 79,4%).

Qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương chưa cao. Mức độ tương tác giữa người dân và chính quyền còn thấp. Việc giải trình đã khá hạn chế lại còn vấp phải thói quen hình thức, thiếu rõ ràng. Cán bộ, công chức trong thực thi công vụ còn nặng tính cửa quyền. Hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng còn thấp, nhiều người dường như không biết sự tồn tại của hai thiết chế này. Mặt khác người dân cũng chưa ý thức được về quyền yêu cầu giải trình của mình cũng như chưa có nhu cầu về việc tham gia vào quản lý nhà nước.

Để thực hiện tốt việc giải trình với người dân của chính quyền cơ sở, thiết nghĩ về mặt vĩ mô cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương theo hướng xem hoạt động này như một khâu bắt buộc trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức. Đồng thời, cũng cần quy định cơ chế chịu trách nhiệm của cá nhân một cách rõ ràng và công khai.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực chất của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và Ban Thanh tra nhân dân. Đối với hai thiết chế này, điều quan trọng nhất là gia tăng được khả năng ảnh hưởng của nó đối với hoạt động của chính quyền cơ sở thông qua hoạt động giám sát. Đồng thời, cũng cần chú trọng việc quảng bá hình ảnh nhằm thu hút được sự chú ý của người dân về đặc điểm và vai trò quan trọng của hai thiết chế dân chủ này. Mặt khác cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát có đủ năng lực kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ, được người dân tin tưởng.

Cần đa dạng hóa các phương tiện giải trình và thay đổi cách thức sử dụng một số công cụ truyền thống cho hoạt động giải trình. Đối với cấp tỉnh và huyện, chú trọng hơn nữa việc khai thác các kênh thông tin trực tuyến bằng việc sử dụng trang thông tin điện tử, trong đó chú ý việc bổ sung thêm khả năng tương tác giữa người dân và chính quyền qua hỏi đáp, bỏ phiếu tín nhiệm hay phản ánh nhanh. Sự ghi nhận, giải thích hay đối đáp trực tiếp này phù hợp với xu hướng phát triển của mạng truyền thông hiện nay và giúp thông tin giải trình được phủ rộng mà không hạn chế sự tiếp cận của bất kỳ ai. Ở cấp xã, phương tiện hiệu quả nhất vẫn là hệ thống phát thanh nhưng cần đổi mới để có được kết quả tích cực hơn như tập trung giải trình về hoạt động quản lý của chính quyền xã theo định kỳ hoặc thông qua hình thức trả lời các câu hỏi của người dân, đặc biệt là những thông tin liên quan đến tài chính, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện và đất đai.

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình sẽ góp phần tăng cường hơn nữa sự đối thoại giữa người dân với chính quyền địa phương. Người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận dễ dàng với các thông tin, quyết định và biện pháp của cơ quan quản lý và qua đó thực hiện công việc của mình thuận lợi hơn. Nếu thực hiện tốt trách nhiệm giải trình thì sẽ giảm một phần đáng kể các khiếu kiện, thắc mắc của người dân đến các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương như lâu nay.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề cao trách nhiệm giải trình