Trong thành tựu chung của đất nước, Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là hộ nghèo có công với cách mạng. Đến nay, TP. Phan Thiết và huyện Phú Quý không có hộ nghèo thuộc diện chính sách có công; các địa phương còn lại 97 hộ, trong đó chủ yếu tập trung ở huyện Tánh Linh (43 hộ), Hàm Thuận Bắc (20 hộ), Đức Linh (20 hộ), các địa phương khác chỉ còn vài ba hộ.
Nếu so với cả nước, số hộ nghèo thuộc diện chính sách có công với cách mạng, Bình Thuận chỉ chiếm 0,5%. Đây là điều kiện để chúng ta tập trung nguồn lực xóa nghèo cho đối tượng chính sách, với mục tiêu đến cuối năm 2019 không còn gia đình có đối tượng là người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo. Tuy nhiên qua số liệu trên cho thấy, số hộ nghèo diện chính sách còn lại tập trung khá nhiều ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn về kinh tế; mặt khác trách nhiệm người dân tham gia vào công tác xóa nghèo ở những vùng này còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước... nên thực hiện việc giảm nghèo bền vững cho hộ chính sách vẫn còn là thách thức đối với những địa bàn này.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nhất là tại địa bàn còn hộ nghèo chính sách trên địa bàn tham gia đóng góp, nhận đỡ đầu, trợ giúp cho hộ gia đình có công đang thiếu hụt về thu nhập như hỗ trợ cho vay vốn để làm kinh tế gia đình, học nghề, giải quyết việc làm (đối với những hộ có người còn sức lao động) hoặc hỗ trợ thu nhập hàng tháng (đối với những hộ già neo đơn không còn sức lao động) để họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu hộ còn thiếu các tiêu chí khác, cần tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về đời sống, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học tập, nhà ở… Bên cạnh đó, tổ chức vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng đóng góp hỗ trợ như: xây dựng nhà ở, đất ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng các công trình nước sinh hoạt, hỗ trợ tivi, radio, máy tính, điện thoại, internet, chi phí khám chữa bệnh…
Để giảm nghèo bền vững, vấn đề quan trọng và lâu dài là tạo thuận lợi cho họ có thu nhập ổn định. Ngành LĐ-TB-XH cần có kế hoạch chủ trì phối hợp với các đoàn thể và các ngành liên quan kết nối với trường nghề, doanh nghiệp của tỉnh và địa phương hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tổ chức ngày hội tuyển dụng… để nhận lao động thuộc diện chính sách vào làm những công việc thích hợp. Khi thực hiện, các ngành, các cấp cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho học viên, người lao động, nhất là về kinh phí đào tạo nghề. Mặt khác, chú trọng đẩy mạnh thông tin truyền thông về công tác giảm nghèo, tập trung cho các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa bàn còn nhiều hộ nghèo thuộc diện chính sách nhằm thay đổi nhận thức của người dân và bản thân hộ nghèo trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, tiến tới mục tiêu không còn hộ nghèo thuộc đối tượng có công với cách mạng vào cuối năm 2019.
Thế Nam