
“Bác để tình thương cho chúng con”
“Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Đó là những câu thơ được trích trong bài “Bác ơi” của Tố Hữu được Đại tá Trần Văn Huyên – Nguyên Cục phó chính trị Binh đoàn 12 Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục lịch sử Việt Nam thay mặt đoàn đại biểu gia đình chính sách, người có công miền Bắc đọc tại lễ dâng hương tưởng niệm Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận nhân chuyến hành trình về với đất phương Nam trước dịp sinh nhật Bác.

Đoàn gần 100 cựu chiến binh đều trên 70 tuổi, đến từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc… đã mang hai màu tóc. Có người từng vào sinh ra tử trong các chiến trường miền Nam, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Cũng có người ở lại trong các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học làm nhiệm vụ xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Tuổi cao, đa số mang trên mình những vết thương do chiến tranh, do bệnh nghề nghiệp và vượt một quãng đường xa về Phan Thiết trong thời tiết nắng nóng, nhưng đứng dưới chân dung của Bác, trong ngôi trường Dục Thanh, các bác, các cô hôm ấy ai cũng có chung nỗi niềm thiêng liêng. Như đứa học trò nhỏ ngồi trong lớp học xưa nghe văng vẳng tiếng thầy Thành giảng bài. Đó là những bài học về tinh thần yêu nước, đấu tranh khỏi ách nô lệ; bài học về tình yêu lao động, yêu quê hương; bài học về chữ “trung”, chữ “hiếu” với dân, với nước, với cha mẹ và coi việc dân, việc nước như việc gia đình mình, cả trai - gái đều phải lấy trung hiếu làm đầu…

Giọng của nữ thuyết minh dường như trầm ấm, xúc động hơn khi giới thiệu với đoàn về hành trình của Người từ Huế vào dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh, trước khi vào Sài Gòn và lên tàu ra đi tìm đường cứu nước năm 1911.
“Thầy Thành ăn mặc giản dị, phù hợp với thanh niên đương thời, được ông Nguyễn Quý Anh (hiệu trưởng) bố trí ở nhà Ngọa Du Sào, nhưng thầy lại ở nhà Ngư cùng chung với học sinh và các thầy giáo khác. Cho dù nhà Ngư là nơi chứa ngư lưới cụ, làm cá, mắm của gia đình con cháu cụ Nguyễn Thông. Trong thời gian ở lại trường từ tháng 9 năm 1910 đến tháng 2 năm 1911, thầy giáo Thành dạy thể dục là chính và trợ giảng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, Pháp văn. Những khi dạy tiếng Pháp, thầy rất sáng tạo, linh hoạt trong việc dùng các bài thơ ca yêu nước để các trò nhanh hiểu bài. Khi học trò sai, thầy Thành chỉ nhắc nhở động viên, phê bình là chính, đây là một cách thể hiện sự tôn trọng nhân cách người học”.

Càng nghe và đi khắp các gian nhà, những cựu chiến binh miền Bắc lại chia sẻ với nhau: Phẩm chất đạo đức cao cả của Người và bài học về sự giản dị, gần gũi, tiết kiệm của Bác nào ở đâu xa. Ở đây, ngay tại ngôi trường này, chỉ cần ngắm những hiện vật, tài liệu được trưng bày đều có thể cảm nhận rõ hơn một tư tưởng vĩ đại tỏa sáng từ lối sống hằng ngày về tình yêu thương, sự bao dung nhân ái dành cho học trò và người dân xứ biển.
Bác Hồ - một nhân cách cao cả đã được sinh ra, được nuôi dưỡng, tắm mình trong hương nắng của làng Sen, của những dung dị vườn rau, ao cá, hàng cau, hàng dâm bụt ngoài ngõ… có lẽ thế mà đi đâu đều thấy Người chú ý công tác bảo vệ môi trường. Ngoài giờ lên lớp, thầy lại nhắc nhở và cùng học trò trồng cây, chăm sóc cây xanh. Đây là giếng nước thầy Thành thường lấy để tưới cây trong vườn. Và kia là cây khế thầy Thành vẫn chăm sóc. Hơn 100 năm nay nó vẫn hiện hữu, mạnh mẽ vươn lên xanh tốt, ra hoa kết trái quanh năm, mà nhân dân Phan Thiết vẫn quen gọi với cái tên trìu mến: cây khế Bác Hồ.

Đã tới nhiều điểm di tích, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng trong không gian ngôi trường vách gỗ, mái lợp ngói âm dương này, dường như từng dãy bàn, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều gợi những kỷ niệm sâu sắc về Người, khiến ông Trần Văn Huyên nhớ đến câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như đã gặp từ lâu. Từ Hồ Chí Minh tỏa ra một sự ấm áp, giản dị đến lạ kỳ mà bất kỳ ai dù chỉ mới gặp một lần, hay những ai chưa từng vinh dự được gặp, chỉ nghe và biết về Người qua những trang sách, lời kể nhưng đều có chung một cảm giác: Người vô cùng ấm áp, giản dị và bao dung. Cuộc đời của vị Chủ tịch nước thanh cao, mộc mạc toát ra từ phong cách ứng xử, phong cách làm việc, phong cách sinh hoạt hằng ngày của Người. Một cuộc sống mà “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay và uy vũ không thể khuất phục”. Có lẽ, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc Việt Nam lại có một vị lãnh tụ giản dị và gần gũi với mọi người đến vậy”’.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh
Bác đã đi xa, nhưng trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói riêng, Người vẫn còn sống mãi. Bởi những thành tựu vĩ đại của Đảng ta trong 95 năm qua luôn gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1978 Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tiến hành trùng tu Khu di tích Dục Thanh năm xưa và năm 1983 tiếp tục khởi công xây dựng công trình Nhà Trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên dòng sông Cà Ty, gồm nhà trưng bày và tượng đài về Người. Kể từ đó, nơi đây trở thành địa chỉ quan trọng được nhiều đơn vị chọn trong các dịp kết nạp Đoàn, Đội, trao Huy hiệu Đảng, lễ tuyên dương… Đây còn là điểm du lịch - văn hóa để khách thập phương quây quần thắp nén hương thơm lên Bác với tất cả tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn.

Với những cán bộ, đảng viên, người lao động đang công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, càng tự hào hơn khi hằng ngày được làm nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị di sản Hồ Chí Minh. Họ vẫn cần mẫn, lặng lẽ, làm việc khoa học, trách nhiệm, với tấm lòng tri ân Bác sâu sắc để giữ gìn, bảo quản tốt nhất các di tích, hiện vật. Ngay cả những vườn cây, hoa trái trong khu di tích cũng mát xanh, kết sinh những quả to tròn, ngọt ngào nhất trong các mùa, tạo thành một quần thể thực vật phong phú làm nên cảnh quan giản dị nhưng đẹp đẽ.
Bà Nguyễn Thị Thu Nga – Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh – Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận, bày bỏ niềm tự hào khi được cống hiến, làm việc tại đơn vị hơn 25 năm nay. “Là thuyết minh viên tại bảo tàng, tôi rất vinh dự khi được tiếp xúc, gìn giữ những tài liệu, hiện vật quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Di tích lịch sử Dục Thanh. Hằng ngày được đón tiếp các đoàn khách từ mọi miền đất nước, tôi như cùng du khách sống lại những khoảnh khắc, năm tháng lịch sử thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, lại càng biết ơn về sự hy sinh, vai trò vĩ đại của Người trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc”.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đã đón 815 đoàn khách với gần 53.000 lượt người đến tham quan, báo công, viếng Bác. Trong đó có gần 300 lượt khách nước ngoài đến từ Anh, Hàn Quốc, Đức, Nga, Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan, Kazakhstan, Mỹ, New Zealand… Điều đó đã khẳng định sự nỗ lực, cống hiến không ngừng của tất cả cán bộ, nhân viên nơi đây và sức hấp dẫn từ những giá trị sẵn có của bảo tàng.

Đặc biệt, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận cũng trở thành địa chỉ tin cậy để người dân đến trao tặng nhiều món kỷ vật, hình ảnh về Bác Hồ mà họ đang gìn giữ tại gia đình. Việc lưu giữ những kỷ vật ấy cũng chính là trách nhiệm giữ gìn ký ức dân tộc, góp phần giới thiệu tới đông đảo công chúng giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh và giúp thế hệ trẻ có cái nhìn chân thực, khách quan, sống động về lịch sử. Để từ đó mỗi người được bồi đắp thêm niềm tự hào, nâng cao nhận thức chính trị, tích cực vận dụng tư tưởng của Bác vào giải quyết thực tiễn cuộc sống.

Bầu trời Phan Thiết vẫn xanh cao lộng gió, nắng vàng rải giòn thơm. Trên con đường Trưng Nhị dòng người từ muôn phương vẫn nối tiếp nhau vào thăm trường, tưởng niệm Bác…
“Không chỉ tôi mà 4 thuyết minh viên thường xuyên trau dồi kỹ năng thuyết minh để du khách cảm nhận một cách chân thực, xúc động quãng thời gian mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại mái trường Dục Thanh, cũng như hiểu đầy đủ những giá trị to lớn về tư tưởng, phong cách, tình cảm mà Bác để lại qua các di sản”, bà Nguyễn Thị Thu Nga nói.