Theo dõi trên

Dễ mắc bệnh bạch hầu, nếu chưa tiêm vắc xin và tiếp xúc với mầm bệnh

15/07/2016, 10:43

BTO- Trước tình hình diễn biến dịch bệnh bạch hầu tại Bình Phước, phóng viên báo điện tử Bình Thuận có trao đổi với ông Hoàng Văn Hùng - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) về biện pháp tăng cường phòng chống dịch bạch hầu tại Bình Thuận.

                
      Ông Hoàng Văn Hùng - Trưởng khoa kiểm soát bệnh    truyền nhiễm

Thưa ông, từ ngày 22/6 đến nay, ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) với 3 ca tử vong, khả năng lây lan ở Bình Thuận không?

Ông Hoàng Văn Hùng: Sự đi lại, giao thông vùng miền, thì có nguy cơ lây bệnh; người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Bệnh lây qua đường hô hấp, khả năng lây rất nhanh. Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào. Theo kế hoạch, Bình Thuận đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi 5 trong 1 (bạch hầu – ho gà - uốn ván – viêm gan B – Hib) cho trẻ đủ 3 mũi là 90% vào cuối năm, với tiến độ trung bình mỗi tháng 7,5%. Tuy nhiên, tiến độ này đạt 8,95%/tháng, vượt so kế hoạch. Bé được tiêm đủ 3 mũi, sau đó tiêm nhắc lại mũi DPT, thì bé có khả năng miễn dịch cao.

Đây là dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, hiện nay người dân rất lo lắng. Ông có khuyến cáo gì cho người dân về biện pháp phòng bệnh?

Ông Hoàng Văn Hùng:  Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là đưa trẻ đi tiêm đủ 3 mũi  5 trong 1 Quenvaxim vào lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi theo lịch của Bộ Y tế. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván khi trẻ 18 tháng tuổi. Người lớn cũng phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi;  giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.  Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Hùng: Bệnh bạch hầu thường gặp những biểu hiện như sốt, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc màu trắng ngà mặt sau hoặc hai bên thành họng. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Minh Trang (Thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dễ mắc bệnh bạch hầu, nếu chưa tiêm vắc xin và tiếp xúc với mầm bệnh