Theo dõi trên

Đề nghị rà soát, điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế

27/10/2022, 10:40

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

db-nguyen-huu-thong-binh-thuan5.jpg
ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, thời điểm này năm trước, trong bối cảnh dịch Covid - 19 chưa được kiểm soát cộng với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn của Ban chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tăng trưởng cả năm ước đạt 8%. Việt Nam là một trong ít nước trên thế giới được các tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá rất cao trong việc phòng chống dịch Covid - 19 và phục hồi kinh tế.

Dù vậy, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, nếu đánh giá thật đầy đủ thì soi rọi việc phát triển về mặt kinh tế với các vấn đề xã hội, văn hóa, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận người dân nhất là nông dân, ngư dân ngay trong đại dịch đã khó khăn tuy được Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng nay vẫn chưa thoát nghèo; giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, giá nông sản không tăng dẫn đến chồng chất khó khăn. Mặt khác, tiền lương, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức và người lao động còn thấp... Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng đây là những thách thức thật sự lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP 6,5%.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ĐBQH  Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả một vấn đề là tình trạng bất an của một bộ phận cán bộ, công chức viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo. “Thực tế hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo không dám làm việc vì nếu làm thì sợ sai, có cán bộ tâm sự rằng “thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử” - ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông lý giải.

Về nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên thì rất nhiều nhưng theo ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông có 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật của ta. Đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì viện dẫn pháp luật khác thì lại sai; áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra thời điểm khác lại  sai, mà một trong những quy định đó là xác định giá đất và phương pháp xác định giá đất được quy định tại Thông tư 36 ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tiếp đến, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 nhưng chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác, họ làm cầm chừng, không dám đột phá.

Chính vì vậy, ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn ĐBQH tỉnh: Thảo luận dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Nổi bật
Đoàn lãnh đạo tỉnh thăm cựu chiến binh, gia đình chiến sĩ, dân công tham gia Chiến dịch Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2024), chiều nay (2/5), Đoàn lãnh đạo tỉnh do đồng chí Võ Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dẫn đầu đã đi thăm cựu chiến binh, gia đình thân nhân chiến sĩ, dân công hỏa tuyến từng tham gia Chiến dịch Điện Biên, đang sinh sống tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề nghị rà soát, điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế