Như mọi năm, tham gia lễ hội rước đèn dự kiến có hơn 30 trường tiểu học và THCS, với khoảng 3.000 học sinh của TP Phan Thiết, mỗi trường học có từ 80-100 lồng đèn nhỏ và 1 lồng đèn lớn.
Kinh phí tổ chức lễ hội Trung thu hoàn toàn xã hội hóa, ngân sách không bỏ ra, kinh phí làm lồng đèn lớn hàng chục triệu đồng/cái, chủ yếu quyên góp từ phụ huynh, học sinh và các mạnh thường quân.
Lễ hội Trung thu của TP Phan Thiết đã được tạp chí Vietbooks xác lập kỷ lục VN công nhận là “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam”.
Ngoài tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh cho các em thiếu nhi, lễ hội còn nhằm phát triển du lịch, thu hút du khách đến với TP Phan Thiết.
Tuy nhiên những năm gần đây, dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về lễ hội này. Có thể gom lại thành 3 luồng ý kiến sau:
1. Nên tổ chức lễ hội Trung thu Phan Thiết hàng năm, vì đây là 1 lễ hội truyền thống của Bình Thuận, mang nhiều ý nghĩa.
2. Chỉ nên tổ chức lễ hội Trung thu 2-3 năm một lần, để bớt lãng phí và giảm gánh nặng đóng góp cho phụ huynh và học sinh.
3. Xã hội hóa rộng hơn lễ hội Trung thu, bởi ngoài phục vụ thiếu nhi, lễ hội còn phục vụ du lịch. Ngành du lịch cần đóng góp kinh phí, bằng cách vận động các khách sạn, nhà hàng, resort “mua” lại 30 lồng đèn lớn sau đêm hội, để trang trí cũng như giới thiệu cho du khách lễ hội độc đáo này.
Hoặc các doanh nghiệp du lịch tài trợ kinh phí cho lễ hội, rồi sử dụng các lồng đèn sau lễ hội, tránh tình trạng các lồng đèn trị giá hàng chục triệu đồng sau 1 đêm rước lại phơi nắng phơi mưa trên sân trường, hư hỏng, lãng phí.
Với mong muốn lễ hội Trung thu đặc sắc của thiếu nhi TP Phan Thiết được duy trì lâu dài, đồng thời giảm bớt gánh nặng đóng góp cho các trường học và phụ huynh, học sinh, Binhthuan online mở mục: “Để Tết Trung thu vui tươi và tiết kiệm”.
Trân trọng kính mời quý bạn đọc tham gia đóng góp và trao đổi ý kiến.
Các ý kiến của bạn đọc có thể gửi qua ý kiến phía dưới bài hoặc qua mail: baobinhthuan@gmail.com.
BTO