Đóng thuyền đánh bắt xa bờ tại trại đóng thuyền Ba Thám (thị xã La Gi). |
Từ ngày biết Lê Bướm làm bảo vệ ở resort ven đường đi lại của mình, tôi thường ghé thăm anh vào những chiều, hoặc đêm thứ bảy. Tôi muốn anh vui vì có bạn cùng quê, lại là chỗ thân tình với nhau mấy mươi năm. Mỗi lần như vậy, tôi đều bắt gặp anh có những lúc nhìn ra biển, trầm tư suy nghĩ điều gì đó. Có lần tò mò tôi hỏi anh: “Biển có gì mà lúc nào cũng thấy anh nhìn?”. “Những chiếc thuyền lướt sóng đáng nhìn lắm chớ!”. Anh nói mà không nhìn tôi. Một lúc sau, anh tiếp: “Có thể trong những chiếc thuyền đó, có chiếc được đóng ở La Gi của bọn mình. Do mình và anh em thợ đóng”. Khi nghe những điều ấy, tôi biết rằng người hàng xóm của mình là người đầy nỗi niềm, ít ra là người khó quên mọi chuyện khi nó xảy ra trong đời.
* * *
12 tuổi, Lê Bướm cùng mẹ là bà Ba Quảng từ Quảng Nam vô Bình Tuy (sau giải phóng là đất của huyện Hàm Tân, rồi thị xã La Gi) làm ăn. Bình Tuy thời trước giải phóng có câu ca dao: “Ai muốn nghỉ mát thì lên Đà Lạt. Ai muốn hốt bạc thì về Bình Tuy. Bình Tuy có cá La Gi… Phong Điền(1) có gạo… Cù Mi(2) có rừng…”. Ở Bình Tuy, bà Ba Quảng kiếm ăn hàng ngày ở chợ, còn anh vì thiếu giấy khai sinh nên học hành qua loa, chỉ biết đọc biết viết. Những ngày tuổi thơ của anh là những ngày lang thang ngoài bãi sông Dinh, bắt con còng, con cua biển, con chem chép, con ghẹ nhàn có càng dài bằng cả gang tay, nổi tiếng vì thịt ngọt. Ở ven con sông Dinh đầy lau lách đó, thi thoảng có vài ba nhà dân cất nhô ra mặt sông như kiểu nhà chồ của người miền Tây, nên bạn của Lê Bướm, sau đám chim trời là những người thợ đóng thuyền của trại ông Kiểu, ông Đạm, ông Vượng... những người xứ Quảng đầu tiên vào Bình Tuy mở trại đóng thuyền. Hồi đó, mỗi trại đóng thuyền đều được dựng xa dân, phía sau những lùm mắm, lùm đước, muốn sang được phải lội qua những con rạch bùn sình, ngập nước mặn. Trong thế giới có phần hoang vu ấy, anh thanh niên gốc Quảng lần hồi lớn lên, và khi cần một việc làm để đỡ đần mẹ già, anh chọn nghề đóng thuyền vốn dĩ quen thuộc... Từ người học việc, Lê Bướm đi dần lên thợ phụ, thợ chính, được mấy ông chủ trại quý mến vì tính cẩn thận, kỹ lưỡng.
* * *
Lê Bướm kể: Nghề đóng thuyền của Bình Tuy và sau này là La Gi có một giai đoạn khá phát triển. Từ 1970 trở đi, người ở đâu muốn đóng thuyền to nhỏ cũng đều về trại ông Kiểu, ông Đạm. Dọc một phần bờ sông hoang vu ấy, bên dưới những chiếc trại lợp bằng lá dừa đơn sơ là những chiếc ghe được hình thành. Hồi ấy, dụng cụ đóng thô sơ, người ta còn phải dùng cưa tay để cưa những tấm ván thuyền dày 20 phân, ngang 1 thước. Cưa máy họa hoằn mới có vài chiếc và chỉ thợ chính mới được dùng. Cũng ở bãi sông Dinh hoang vu ấy, đêm đêm người ta thấy những đám lửa bùng lên rồi cháy suốt đêm. Đó là lửa uốn ván thuyền. Muốn uốn một tấm ván thuyền trong điều kiện chưa có đồ chuyên dùng, người ta đóng cọc sắt trong đất rồi dùng dây xích, cố định một đầu ván. Tiếp theo, muốn uốn chỗ nào, người ta đổ dày cát lên mặt ván nơi đó, sau cát là lớp than, rồi đến lớp củi khô. Củi được đốt cháy. Lửa truyền nhiệt xuyên qua cát xuống bề mặt ván làm ván mềm đi. Khi ván mềm, người ta dùng dây xích sắt quấn vào đầu còn lại của tấm ván thuyền, rồi dùng ròng rọc kéo, làm cho đầu ván nghiêng hẳn một bên như kiểu vặn vỏ đỗ. Nhờ kiểu vặn này, ván dễ dàng uốn theo ý muốn người thợ. Ngoài việc uốn ván thuyền, các công đoạn khác như đẽo long cốt (cây gỗ nằm dưới đáy thuyền từ trước ra sau, tựa xương sống), giang đà (tựa cây rui trên mái nhà, làm thuyền vững chãi) đều bằng rìu tay. Vì vậy, thợ thuyền ngày ấy, ai cũng có chiếc hòm gỗ dài, có nắp đậy, bên trong đựng cán rìu, lưỡi rìu, búa, cưa lưỡi các loại…
Dựng sườn thuyền trước khi đóng. |
Sau năm 1975, những trại đóng thuyền của ông Đạm, ông Kiểu... không còn, thay vào đó là Hợp tác xã đóng thuyền Tiền Phong, Quyết Thắng. Các hợp tác xã này được cung ứng gỗ nguyên liệu, giao kế hoạch đóng thuyền nên lúc nào cũng có việc. Lê Bướm không quên những ngày đó, những ngày không lo thiếu việc. Cuộc sống của anh chỉ thay đổi khi gỗ đóng thuyền ngày một khó mua. Mà không khó sao được khi rừng ở La Gi, rộng ra là huyện Hàm Tân bị tàn phá dữ dội. Cù Mi nổi tiếng về rừng trong câu ca dao xưa chỉ còn là những mảng đồi trống chạy dọc theo biển, ven con đường nối liền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người ta phải mua gỗ Đắk Lắk, hoặc ra Quy Nhơn mua gỗ nhập khẩu của Lào. Đó cũng là lúc, đôi nơi ở miền Trung, hình thành nghề đóng thuyền nhờ nguồn gỗ từ Lào sang. Dân Bình Định vì vậy cũng không còn ôm một bọc tiền vô La Gi, chờ đóng xong chiếc thuyền mới, hạ thủy về quê như trước đây. Ở Hợp tác xã Tiền Phong rải rác có người chuyển sang nghề khác. Đó là lúc thợ chính, đồng thời là tổ trưởng bắt đầu chọn thợ tốt - những người tay nghề khá, có sức khỏe, làm nghề lâu năm. Lê Bướm không bị bật ra liền khi ấy, bởi ông trời cho anh sức khỏe. Anh lại không nhậu nhẹt nhiều, việc phá sức coi như không có. Chỉ có điều, thuyền ít nên tổ trưởng có phần ưu tiên cho người trong họ hàng, quen biết. Vì vậy, có lúc Lê Bướm nghĩ: Không sớm thì muộn sẽ đến cái ngày anh thôi đóng thuyền. Cái nghề vốn nặng nhọc, nhưng không ít niềm vui khi nhìn thấy những con thuyền mình đóng, máy nổ giòn tan, rẽ nước ra biển lớn.
* * *
“Đã có tuổi rồi, lại đang làm bảo vệ, hà cớ chi lại vấn vương những con thuyền? Đêm đêm anh ngồi theo dõi mấy con thuyền, gặp phải gió độc, ngã ngửa ra lúc nào không hay. Hóa ra mình làm khổ thân xác mình. Anh cứ nghe tôi, làm tròn chức trách bảo vệ, hàng tháng nhận lương, cho bà già vài trăm ăn vặt là hạnh phúc rồi. Biết sống, khéo thu xếp với thu nhập của mình, không thiếu hụt là vui lắm rồi”. Có một đêm tôi nói với anh như thế. Lê Bướm cười khì: “Mình biết gió đêm rất độc, nhưng cái nỗi nhớ thuyền khó bỏ lắm”. Lê Bướm kể, sau khi làm bảo vệ được mấy tháng, một bữa anh ghé về nơi đóng thuyền. Trên cái nền cũ của hợp tác xã, người quen của anh đã dựng lên cái trại sửa chữa, đóng thuyền Ba Thám. Một đàn em trong nghề, chỉ chiếc thuyền đang đóng, nói: Đang đóng hai chiếc cho dự án “đánh bắt xa bờ”. Bây giờ lâu lâu mới có người đóng thuyền, còn đa phần là tu sửa. Thợ bây giờ cũng ít đi, bởi thanh niên trai tráng không muốn học nghề vì việc không thường xuyên. Làm một tháng, nghỉ hai ba tháng liền, tiền đâu nuôi vợ con? Nghề đóng sửa tàu thuyền của La Gi mình không chết nhưng sẽ vặt vẹo”. Sau lần ghé thăm đó, Lê Bướm nghĩ: “Hóa ra việc mình nghỉ chuyển sang làm bảo vệ có cái hay. Nặng lòng với nó làm gì. Cuộc đời biết đâu lường!”. Nghĩ vậy nhưng rồi, chứng nào tật nấy, đêm xuống nhìn ra biển, anh vẫn nhớ nghề cũ. Anh nhớ lại cách người ta đóng con thuyền như thế nào. Phải dựng cây long cốt, dựng giang đà, tạo cái khung trước khi uốn và ép ván từ dưới thấp lên cao dần, cho đến khi thuyền hình thành. Phải khoan, đóng hằng trăm cây đinh thép vào những tấm gỗ, nối chúng với nhau để chúng chắc chắn hơn bao giờ hết.
Lê Bướm nói với tôi: “Anh hỏi chuyện đóng thuyền thì tôi kể vậy thôi, chứ đêm xuống tôi cũng lo mất mát tài sản của resort thấy cha! Bụng dạ nào mà nhìn biển hoài. Nhưng đời là vậy. Anh gắn bó với cái nghề nào đó lâu năm, khi xa nó sẽ nhớ. Chỉ người vô tâm mới không như vậy”. Tôi cười giòn. Đường về La Gi hãy còn xa. Đêm nay ven biển Tân Thành, có người nhìn ra biển và lại nhớ những con thuyền!
Ký: Hà Thanh Tú
(1) và (2): Là hai địa danh của đất Bình Tuy trước đây.