Du lịch đang hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. (Ảnh tư liệu) |
Trước khi xuất hiện Covid-19…
Những năm gần đây, du lịch Bình Thuận vẫn tiếp đà tăng trưởng ổn định cho đến khi dịch Covid - 19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm ngoái và lây lan trên toàn cầu, khiến lĩnh vực này gánh chịu thiệt hại nặng nề. Nói để thấy rằng, trước khi xuất hiện dịch bệnh (từ năm 2016 - 2019), ngành “công nghiệp không khói” của địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Lượng khách đến Bình Thuận tăng trưởng ở mức bình quân 11,2%/năm (riêng khách quốc tế tăng bình quân 13,45%), doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18,7%/năm và bình quân công suất sử dụng phòng đạt từ 60 - 70%.
Đó cũng là giai đoạn mà địa phương và ngành tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020. Thời gian này, Bình Thuận cũng chú trọng phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao trên biển - trên cát, du lịch dã ngoại, du lịch văn hóa - tín ngưỡng… Đặc biệt, loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn phát huy thế mạnh, có sức cạnh tranh hút khách so với những tỉnh, thành ven biển trong cả nước. Hướng đến phát triển du lịch bền vững và khẳng định “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, địa phương đã tăng cường công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến ra bên ngoài. Nhờ đó du lịch Bình Thuận tiếp tục được đông đảo khách quốc tế đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước Bắc Âu chọn là điểm du lịch kết hợp tránh đông tại vùng biển quanh năm ngập tràn nắng gió…
Thế nhưng tình thế đã đổi chiều từ khi bị tác động tiêu cực từ dịch Covid - 19 bùng phát, do vậy trong năm 2020 vừa qua du lịch Bình Thuận đón lượng khách (nhất là khách quốc tế) lẫn doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó tổng lượng khách đến địa phương giảm đến 48,57% so năm 2019, riêng khách quốc tế giảm xấp xỉ 78% và doanh thu từ hoạt động du lịch cũng giảm hơn 38%.
Ngành kinh tế mũi nhọn
Có thể nói ở giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Bình Thuận tuy chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết 09 đề ra, nhưng cũng đã trở thành 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy trong giai đoạn sắp tới, địa phương tiếp tục nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025. Đồng thời là ngành có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và sản phẩm có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Đến năm 2030, Bình Thuận cũng phấn đấu đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được địa phương xây dựng. Mới đây tại cuộc họp trực tuyến thông qua dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh tổ chức, du lịch Bình Thuận mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10 - 12%), đạt tổng thu 23.300 tỷ đồng và giữ mức tăng trưởng bình quân từ 10 - 12%/năm. Còn đến năm 2030 tiếp tục giữ mức tăng trưởng ổn định, phấn đấu đón 17,5 triệu lượt khách (trong đó 10 - 12% là khách quốc tế) và đạt tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 78.000 tỷ đồng…
Để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Bình Thuận chắc chắn phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trước ảnh hưởng đại dịch Covid - 19 khó lường. Tuy nhiên, với quyết tâm chung sức đẩy lùi dịch bệnh của cả nước, nỗ lực của địa phương và toàn ngành trong xây dựng thương hiệu điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng”, nên kỳ vọng hoạt động du lịch có thể sớm phục hồi. Và không bao lâu nữa khi hạ tầng giao thông đối ngoại hoàn thiện (đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh, sân bay Phan Thiết) và những dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tầm cỡ đưa vào hoạt động thì du lịch sẽ khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.
QUỐC TÍN