Câu thành ngữ này được người đời dùng để răn mình. Cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo càng phải làm gương cho dân, tránh để người khác hiểu sai về mình. Trong nhiều trường hợp, dù anh vô tình, nhưng người ta có quyền nghi ngờ anh. Vì người xưa còn có câu “tình ngay lý gian”, đại ý mình có thể trong sạch, thanh liêm, nhưng hành động của mình tạo ra sự nghi ngờ cho người khác.
Tư tưởng này trước kia được quán triệt rất nghiêm túc. Thời kỳ đất nước còn chiến tranh ác liệt, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng – Nhà nước rất hiếm đưa con cháu, người thân vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Nhiều vị không cho con đi du học nước ngoài, mà đưa con ra chiến trường, hoặc công trường để rèn luyện, phấn đấu, dù đó là con một.
Ngày nay, có phải cám dỗ danh – lợi lớn gấp bội, khiến nhiều người cộng sản không cưỡng lại được mà quên mất câu thành ngữ trên. Dư luận đang ồn ào việc lãnh đạo tỉnh Hà Giang có 8 người thân đang giữ các chức vụ chủ chốt của tỉnh. Dù đồng chí ấy có “thanh minh thanh nga” rằng “những người ấy có năng lực, bổ nhiệm đúng quy trình”, thì dư luận vẫn có quyền hoài nghi, uy tín của đồng chí lãnh đạo ấy đã bị sứt mẻ.
Thực ra chuyện cả nhà làm quan, thậm chí cả họ làm quan trong xã hội ta không hiếm. Thỉnh thoảng dư luận lại “nóng” lên chuyện một ông cục trưởng quy hoạch vợ mình làm cục phó; chuyện các cậu ấm, cô chiêu con bộ trưởng này, bí thư kia, chưa có quá trình phấn đấu, rèn luyện gì, chưa chứng tỏ được gì về năng lực, phẩm chất, đã được “bê” đặt vào ghế cao chót vót của cơ quan công quyền, hoặc DNNN. “4C” nghĩa là “con cháu các cụ” – ai cũng biết cả.
Dư luận cũng không lạ gì nạn chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, thậm chí bây giờ người ta không chỉ chạy ghế, mà còn “đấu thầu” ghế. Tình trạng cài cắm con cháu, sắp xếp người thân, đệ tử, vây cánh vào các vị trí quyền lực, béo bở, chưa có thuốc đặc trị. Người dân đã quá mệt mỏi với điệp khúc “đúng quy trình”, dù không thể biết quy trình ấy là gì.
Ảnh minh họa |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu dẹp nạn bổ nhiệm cán bộ theo kiểu “nhất hậu duệ, thì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”. Bản thân những người con của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ làm những công việc và vị trí bình thường, dư luận kính trọng sự gương mẫu ấy.
Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi “chọn người tài chứ không chọn người nhà”, phải thay đổi công tác tuyển dụng, thi tuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Bởi vì những người đứng đầu Đảng, Chính phủ đã nhìn thấy rõ nguy cơ của đất nước khi người hiền tài bị gạt ra ngoài, để lấy chỗ cho loại cán bộ “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” đang sinh sôi đông đúc.
Năm 1484, tiến sĩ Thân Nhân Trung đã chiêm nghiệm lịch sử thăng trầm của đất nước Việt Nam khi viết: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.
Đặng Dũng