Theo dõi trên

Đi rừng Núi Ông

23/05/2019, 10:25

BT - Tham gia chuyến kiểm tra rừng đặc biệt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, không chỉ giúp chúng tôi được trải nghiệm những cái “thú” rất riêng của núi rừng, mà còn thấu hiểu hơn sự gian nan, vất vả của những người bảo vệ rừng.         

Cái “thú” đi rừng

Gọi là chuyến kiểm tra đặc biệt là bởi như lời đồng chí Bí thư Huyện ủy Tánh Linh - Nguyễn Văn Quang, hiếm có lần kiểm tra rừng nào mà lại có sự tham gia của cả Thường trực Huyện ủy và UBND 2 huyện (Tánh Linh và Hàm Thuận Nam). Chỉ nhìn vào thành phần đoàn cũng cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực và tâm huyết của lãnh đạo 2 địa phương trong việc giữ rừng, nhất là một nơi quan trọng như Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Bắt đầu từ Trạm Bảo vệ rừng Đức Bình, chúng tôi đi bộ khoảng 500m, để tiếp cận Núi Ông. Từ đây, men theo lối nhỏ vừa đủ 1 người đi bên sườn núi, đoàn chúng tôi tiến từng bước một để bắt đầu cuộc hành trình kiểm tra từ dưới lên đỉnh. Những ngày đầu tháng 5, thời tiết dưới núi còn khá dễ chịu, nhưng càng lên cao, vào sâu trong rừng không khí càng trở nên oi ả và thiếu gió, khác xa dự tính của mỗi người là càng lên cao khí hậu càng mát. Những giọt mồ hôi lấm tấm xuất hiện trên từng khuôn mặt ở ngay những bước đi đầu tiên. Một cán bộ kiểm lâm của Ban quản lý Khu Bảo tồn cho biết, để lên đến đỉnh cao nhất của Núi Ông sẽ phải băng qua 8 km đường rừng, dốc núi. Mục tiêu trong buổi sáng là phải đến được suối Tôm (cách điểm xuất phát khoảng 5 km) và sẽ dựng trại nghỉ ngơi, ăn trưa tại đó. 5 km đường bằng thì có vẻ đơn giản, nhưng đường rừng, leo núi thì hoàn toàn khác. Và thực tế cho thấy, dù có cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ có thể di chuyển khoảng 100 m là phải nghỉ một lần.

Hơn nữa phải vừa đi vừa thị sát, kiểm tra tình hình xung quanh nên cũng không thể nhanh hơn được. Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn - Nguyễn Văn Dũng vừa đi vừa giới thiệu, Khu Bảo tồn rộng 24.000 km2, tiếp giáp với 9 xã và 1 thị trấn thuộc địa bàn 2 huyện Hàm Thuận Nam và Tánh Linh. Trong đó, đỉnh cao nhất của Núi Ông là gần 1.400 m. Rừng ở khu vực Núi Ông không nhiều loại gỗ quý có giá trị cao về kinh tế, nhưng lại rất có giá trị về môi trường và độ che phủ. Không giống như những cánh rừng khác, rừng ở Núi Ông quanh năm xanh tốt. Động vật ở đây khá đa dạng với các loài: chồn, khỉ, sóc bay, rắn, kỳ đà, mang, heo rừng… Trên đường đi thỉnh thoảng, ông Dũng lại chỉ cho tôi thấy những cây gỗ to đến vài người ôm, hay những cây tầm cao như dầu, sao, sến cao hàng chục thước.

Cuộc hành trình đang diễn ra tốt đẹp, bỗng mây đen kéo đến giăng khắp trời. Chỉ một lát sau cơn mưa rừng đầu mùa đổ xuống khi hành trình của chúng tôi mới được khoảng 1/4 chặng đường. Mưa không xối xả, từng giọt rả rích xuyên qua những tán lá rừng dày đặc, dù không quá lớn nhưng cũng đủ làm ướt gần 50 con người trong chuyến đi. Trời mưa, một lưu ý đặc biệt mà các kiểm lâm khuyến cáo là những dốc đá trở nên trơn hơn, vì vậy mọi người phải hết sức cẩn thận từng bước đi để đảm bảo an toàn.

Khoảng 11 giờ, chúng tôi cũng đến được suối Tôm như lịch trình dự kiến. Một anh kiểm lâm giải thích, gọi là Suối Tôm vì con suối nhỏ này có rất nhiều tôm. Suối không sâu nhưng nước trong vắt và rất mát. Việc đầu tiên khi tới nơi là căng bạt để có chỗ trú mưa, đốt lửa nấu ăn. Trong khi đó, một số anh em tranh thủ xuống suối bắt tôm. Việc bắt tôm ở đây rất đơn giản, chỉ cần dùng vợt đứng trên bờ hoặc lội xuống rồi vớt. Tôm ở suối không lớn, chỉ bằng đầu đũa nhưng rất ngon, đặc biệt, lại được nướng, thưởng thức giữa trời mưa thì còn gì thú vị bằng. Ngoài “đặc sản” tôm suối, tại đây chúng tôi còn được giới thiệu thưởng thức thêm món sâm cau nhổ tại chỗ nấu với nước suối rừng. Nước sâm cau thơm thơm, ngọt ngọt rất riêng, nóng hổi giúp mọi người xua đi cái lạnh do bị ngấm nước mưa, mồ hôi, đồng thời giúp hồi sức sau một chặng đường dài. Việc nghỉ trưa của chúng tôi không kéo dài lâu, bởi theo kinh nghiệm của một số người, với tình hình hiện tại, mưa sẽ còn kéo dài. Chỉ khoảng giữa buổi chiều, trời trong rừng sẽ rất tối, khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn. Do đó, sau khi ăn tạm bánh mì, được thưởng thức những đặc sản tôm suối, sâm cau rừng Núi Ông, 30 phút sau, chúng tôi lại tiếp tục hành trình tiến lên đỉnh.    

Quyết tâm giữ rừng

Hành trình của nửa chặng đường còn lại trong việc kiểm tra, chinh phục đỉnh Núi Ông xem ra khó khăn hơn tôi tưởng. Dù quãng đường còn lại ngắn hơn, nhưng lúc này, hầu hết mọi người đều thấm mệt. Nhiều đôi chân không quen với việc băng rừng, đã bắt đầu cảm thấy mỏi và đau. Thậm chí như một số anh em trong đoàn nửa đùa, nửa thật: dù chỉ một cây cỏ nằm ngang đường đi cũng có thể làm vấp ngã. Hơn nữa, càng lên cao, đường lại càng dốc và khó đi hơn. 

Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, toàn bộ Khu Bảo tồn có 8 Trạm bảo vệ rừng và 144 hộ (chủ yếu là đồng bào dân tộc) nhận giao khoán bảo vệ rừng. Từ đầu năm đến nay, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền 2 huyện, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông được thực hiện khá tốt. Với anh em tại Ban Quản lý, cứ một tháng sẽ phải đi kiểm tra một lần. Còn lực lượng tại các trạm, một tuần phải đi một lần. Dù vậy, do địa bàn rộng, hiểm trở, trong khi lực lượng có hạn nên tại một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng cơi nới, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép như tại tiểu khu 361 dọc quốc lộ 55; hay tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra tại tiểu khu 351, 353 dọc quốc lộ 55. Ông Lưu Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh tiếp lời, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông trong thời gian tới, với trách nhiệm của địa phương, UBND huyện đã yêu cầu Ban quản lý Khu Bảo tồn xử lý ngay một số tồn tại. Điển hình như, chỉ đạo Trạm Bảo vệ rừng Quang Hà tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm, kịp thời hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại lâm phần quản lý. Tiếp tục chỉ đạo các Trạm quản lý bảo vệ rừng hoàn thành công tác kê khai, kiểm tra thực địa diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm (977 ha) theo kế hoạch...   

Một trải nghiệm thú vị là được nằm võng ngủ giữa rừng.

Hơn 17h, cũng chẳng biết đã vượt qua bao nhiêu dốc đá, con suối, uống hết bao nhiêu nước, cuối cùng chúng tôi cũng đến được đỉnh Núi Ông. Cơn mưa rừng dai dẳng vẫn chưa tạnh. Lúc này cả khu rừng già đã được bao phủ bởi bóng tối. Những người tới trước đã dựng xong lều bạt che mưa. Bên dưới, những đống lửa vừa được nhóm lên vẫn còn khói nghi ngút do củi ướt tỏa ra xung quanh khiến mắt ai cũng cay xè. Nhưng cũng nhờ vậy đã giúp ngăn những con vắt rừng háu đói tấn công chúng tôi. Cẩn thận hơn, ông Dũng còn phát cho mỗi người một ít củ nén (hành tăm) để xát lên người, vì theo kinh nghiệm đi rừng của ông, củ này chống vắt rất hiệu quả.

Sau bữa tối vội vàng bởi trời mưa, một số người do quá mệt mỏi đã treo võng nằm nghỉ. Một số khác quây quần quanh đống lửa, nhâm nhi ly rượu cho vơi đi cái lạnh trên đỉnh núi cao lúc chiều tối, để xua đi sự mệt mỏi sau một ngày băng rừng, vượt núi. Vài người còn hăm hở xách đèn đi suối bắt ếch, bắt cua. Riêng tôi, lần đầu tiên, được “tận hưởng” cái cảnh nằm võng, giữa rừng đêm, nghe từng tiếng mưa lộp độp. Khoảng 21h, tất cả mọi người dường như đã chìm sâu vào trong giấc ngủ, để ngày mai còn có sức tiếp tục hành trình quay về, cũng không kém phần gian nan. Lúc này, cả khu rừng lại chìm vào sự yên lặng vốn có. Xung quanh chỉ còn lại tiếng mưa, tiếng ngáy đều đều của những con người vừa trải qua một hành trình mệt mỏi, tiếng ếch núi kêu dưới dòng suối chảy quanh và thỉnh thoảng là tiếng những con chim rừng giật mình vì gió. 

Có lẽ, chỉ những ai đã từng trải qua những chuyến đi như thế này mới thấy hết được sự gian nan, vất vả của những người làm công tác bảo vệ rừng. Như ông Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam  - Nguyễn Minh chia sẻ, làm lãnh đạo chẳng ai muốn “hành xác” thế này. Nhưng không đi thực tế để tìm hiểu thì không thể có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát được. Hiện nay, diện tích rừng còn lại không nhiều, do vậy càng cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao để bảo vệ. Muốn vậy, phải mục sở thị tận nơi, thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của anh em. Cũng như đối với lực lượng làm công tác bảo vệ rừng, chỉ khi nào thật sự xót xa trước từng cây rừng bị đốn hạ, thì khi đó mới có đủ tâm huyết, nhiệt huyết để bảo vệ rừng.

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi rừng Núi Ông