Theo dõi trên

Di tích vạn An Thạnh (Phú Quý): Sửa chữa, tu bổ phải giữ nguyên trạng các yếu tố nguyên gốc

31/05/2017, 08:27

BT- Vừa qua, UBND huyện Phú Quý và Ban quản lý di tích vạn An Thạnh đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho xây dựng Tẩm thờ ngọc cốt tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vạn An Thạnh, và hỗ trợ kinh phí tu bổ sửa chữa di tích.

                
Nguồn ảnh: Internet

Qua khảo sát thực tế và làm việc trực tiếp tại vạn An Thạnh giữa Bảo tàng Bình Thuận với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Quý và Ban quản lý di tích vạn An Thanh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau: Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia tại Quyết định số 51/QĐ/BT ngày 12/1/1996. Trong những năm 2010 - 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp, tu bổ di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai tu bổ, tôn tạo các hạng mục của di tính vạn An Thạnh, phục chế bộ xương cá Ông và xây dựng Nhà trưng bày bộ xương cá Ông trong khuôn viên di tích với tổng kinh phí gần 4,7 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, nguồn ngân sách của Trung ương hỗ trợ hàng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp, tu bổ di tích của Chính phủ không còn, trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện để đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Do đó việc tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian đến chủ yếu thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất cho phép Ban quản lý di tích vạn An Thạnh tiến hành sửa chữa mái ngói Nhà trưng bày bộ xương cá Ông và các cửa gỗ bị hư hỏng bằng nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân. Quá trình sửa chữa phải gìn giữ nguyên trạng các yếu tố nguyên gốc, không làm ảnh hưởng đến kiểu dáng và kết cấu kiến trúc của các hạng mục.

Việc đề xuất xây dựng Tẩm thờ ngọc cốt ông Nam Hải. Thực tế hiện nay trong khuôn viên vạn An Thạnh có quá nhiều hạng mục, đặc biệt là Nhà trưng bày bộ xương cá Ông mới được xây dựng năm 2011. Diện tích và không gian thực tế còn lại quá chật hẹp, thiếu sự thông thoáng cần thiết của một cơ sở thờ phụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng, nhất là vào dịp lễ hội hàng năm. Vì vậy việc xây dựng Tẩm thờ ngọc cốt ông Nam Hải với diện tích và vị trí theo đề nghị của Ban quản lý di tích vạn An Thạnh là không phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến không gian kiến trúc và che chắn mặt tiền các hạng mục chính của di tích. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thống nhất việc xây dựng Tẩm thờ ngọc cốt cá Ông theo đề nghị. Việc bảo quản và thờ phụng ngọc cốt ông Nam Hải, Ban quản lý vạn An Thạnh cần nghiên cứu, tận dụng các hạng mục hiện có của di tích sao cho phù hợp.

T.S



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di tích vạn An Thạnh (Phú Quý): Sửa chữa, tu bổ phải giữ nguyên trạng các yếu tố nguyên gốc