Theo dõi trên

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận

04/01/2024, 07:07

Với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự quyết tâm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị nên năm 2023 tỉnh Bình Thuận đã thành công trên tất cả các lĩnh vực, bức tranh kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng.

Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh chung của cả nước, của tỉnh, có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Song nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so năm 2022, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành. Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,2%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 33,53%; khu vực dịch vụ chiếm 34,62%; thu ngân sách nhà nước năm 2023 hơn 10.000 tỷ đồng; trong đó thu nội địa hơn 9.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 22.309,1 tỷ đồng, tăng 63,08% so cùng kỳ năm trước… Đó là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh, được các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh và đánh giá cao trong các phiên họp cuối năm.

thanh-long-nh-n.jpg
Trang trại thanh long ở Hàm Thuận Nam. Ảnh: N Lân.

Bên cạnh kinh tế, các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra về văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện tốt hơn; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là sau đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”. Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, góp thêm những đường nét, những gam màu tươi sáng cho bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Với sự đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng từ phía doanh nghiệp, nhân dân góp phần làm nên bức tranh sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện còn nhiều khó khăn, năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh đánh dấu có sự chuyển biến khá lớn. Đó là sự tăng trưởng ở khu vực dịch vụ tạo điểm sáng, hoạt động du lịch tăng trưởng nhanh, có chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; Tỉnh đăng cai và tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Những kết quả mang tính điểm nhấn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội cho thấy kinh tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 tiếp tục trên đà phát triển. Đây cũng là tín hiệu tích cực để có thêm quyết tâm và kỳ vọng vào một năm mới 2024, một giai đoạn mới thành công hơn.

dsc_4516.jpg

Vui mừng với những kết quả đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn, không say sưa với thành tích, thắng lợi, bởi tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023 vẫn còn không ít những gam màu trầm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để giải quyết một loạt những bất cập mang tính “thâm căn” cũng như ứng phó với những rủi ro, biến động rất nhanh, rất khó lường cả khách quan lẫn chủ quan của “thế sự”.

Trên cơ sở đó, cả tỉnh phải vào cuộc ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm 2024 với tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Thuận sẽ tiếp tục có những bước chuyển mình nhanh hơn, uyển chuyển hơn, hiệu quả hơn. Song chúng ta phải hạn chế tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh hay xóa bỏ tình trạng vô cảm với nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, với sự sáng tạo, quyết liệt, mạnh mẽ hơn tìm ra các giải pháp căn cơ giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sâu sát, đúng đắn của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; với sự đồng hành, sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, dù vẫn còn bộn bề khó khăn phía trước, nhưng chắc chắn Ban Chấp hành Đảng bộ Bình Thuận sẽ vững tay chèo, đưa “con thuyền” kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục tiến nhanh và bền vững trong “hải trình” để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đòi hỏi các địa phương, cơ quan, đơn vị phải đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Từ kinh nghiệm của năm 2023, Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, vẫn tiềm ẩn thách thức khó lường trước. Với sự chủ động trong các quyết sách chỉ đạo, điều hành, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều điểm sáng, là tín hiệu tích cực để có thêm quyết tâm và kỳ vọng vào một năm mới, một giai đoạn mới thành công hơn. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

DỤNG VĂN DUY


(1) Bình luận
Bài liên quan
Trung tâm điện lực Vĩnh Tân: Đảm bảo nguồn điện mùa khô kéo dài
Ảnh hưởng hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài đến cuối tháng 3 năm 2024, khiến nhiều hồ thủy điện miền Trung, Nam Trung bộ thiếu nước vào cuối mùa khô năm vừa qua, làm hạn chế vận hành sản xuất các nhà máy thủy điện. Trước tình hình ấy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động tối đa các nguồn khác để bù vào, như nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), bù cho nguồn thủy điện giảm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận