Theo dõi trên

Điện diesel “chạy nền” cho năng lượng tái tạo phát triển

10/05/2023, 05:33

Việc đảm bảo cung cấp điện 24/24 giờ cho hàng chục ngàn người dân ở đảo Phú Quý, giá điện cũng bằng đất liền được triển khai từ năm 2014 đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội huyện đảo tiền tiêu. Đoàn công tác Quốc hội do ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu trong chuyến thăm, làm việc tại đảo Phú Quý cuối tháng 4 vừa qua đã dành thời gian thăm Điện lực Phú Quý để tìm hiểu, nắm bắt hoạt động điện lực ở huyện đảo tuyến đầu.

Kết nối hài hòa lưới điện

Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Điện lực Phú Quý báo cáo khái quát quá trình hình thành, phát triển ngành điện huyện đảo với Đoàn công tác Quốc hội. Theo đó, Điện lực Phú Quý được thành lập năm 1999, nhân sự ban đầu chỉ 23 người (nay tăng lên 62 người), đảm trách vận hành Nhà máy điện diesel công suất 3.000 kWh (3MW), do Công ty Điện lực Bình Thuận đầu tư. Những năm đầu, nguồn điện được tải thông qua đường dây trung thế dài 22 km, đường dây hạ thế dài gần 14 km và 1.475 kVA trạm phân phối cung cấp 5 giờ điện sinh hoạt cho nhân dân vào ban đêm (18h30’ đến 23h30’). Chỉ vài năm sau, thời gian cung cấp điện tăng lên 12h/ngày, rồi 16h/ngày. Mốc “lịch sử” đáng nhớ của người dân huyện đảo được cung cấp điện 24h/ngày, từ ngày 1/7/2014.

img_3139.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thăm hỏi cán bộ, nhân viên Điện lực Phú Quý

Theo nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ngày càng cao ở Phú Quý, nguồn điện trên đảo được các chủ đầu tư ngành điện xây dựng để đáp ứng. Đến nay, nguồn điện diesel, gió và năng lượng mặt trời với tổng công suất đã tăng lên 16,68 MW. Trong đó, nguồn điện diesel chủ lực công suất 10 MW, với 11 máy phát hiện đại, hòa cùng nguồn điện gió 6 MW và năng lượng mặt trời 0,806 MWp. Lưới điện đã được phủ khắp 3 xã: Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải của huyện đảo với tổng chiều dài đường dây trung thế hơn 49 km, 83 trạm biến áp phân phối, khách hàng đều sử dụng công tơ điện tử. Hiện tại trên địa bàn huyện đảo 100% số hộ có điện; lượng điện thương phẩm trong năm vừa qua hơn 25,7 triệu kWh đã đáp ứng đầy đủ nguồn điện sinh hoạt, sản xuất, chế biến, dịch vụ du lịch cho khoảng 28.000 người dân huyện đảo, cũng như phục vụ điện sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Gần mười năm nay, giá bán điện tại huyện đảo Phú Quý áp dụng như giá bằng đất liền, theo Thông tư 16/2014 của Bộ Công Thương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội huyện nhà.

Báo cáo thêm với Đoàn công tác Quốc hội, ông Nguyễn Thành Ngôn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết: “Cách đây chưa lâu, ngành điện đã sử dụng nguồn vốn vay ODA, với tổng mức đầu tư 271 tỷ đồng, đầu tư dự án “Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn – lưới điện huyện đảo Phú Quý. Trong đó nổi bật là đầu tư hệ thống điều khiển hỗn hợp diesel - gió vận hành tự động, hệ thống SCADA điều khiển giám sát từ xa các thiết bị trên lưới, hệ thống tự động sa thải phụ tải theo tần số. Dự án hoàn thành đã phát triển, hiện đại hóa lưới điện, nguồn điện, giúp hệ thống điện tại đảo Phú Quý là một trong những hệ thống hiện đại nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng như tại Công ty Điện lực Bình Thuận. Hệ thống có thể điều khiển và giám sát các máy phát tại nhà máy điện ở Phú Quý”.

img_3142.jpg
 Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận Nguyễn Thành Ngôn nêu kiến nghị với Đoàn công tác của Quốc hội

Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

Tuy nhiên lãnh đạo ngành điện Bình Thuận nhìn nhận, trong xu hướng phát triển, áp lực về nguồn điện rất lớn, nhất là mùa nắng nóng phụ tải tăng cao; tốc độ gió thấp nên các tuabin gió không tham gia phát điện được, phải vận hành chủ yếu bằng các máy diesel. Chi phí vận hành cao dẫn đến thua lỗ hàng năm khá lớn. “Điện lực Phú Quý đề nghị Đoàn công tác Quốc hội đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà ở đảo để người dân tham gia đầu tư nguồn năng lượng sạch, giảm phát điện bằng dầu diesel”, ông Nguyễn Thành Ngôn chia sẻ.

img_3152.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (thứ 3 bên trái) tặng quà cho Điện lực Phú Quý

Tham gia cùng Đoàn công tác, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường Quốc hội cho rằng: “Với lợi thế nắng gió, Phú Quý cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, hướng tới giảm nguồn điện diesel. Nguồn diesel “chạy nền” cho điện gió vận hành, cũng như khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái”, giảm phụ tải điện diesel.

img_3156.jpg
Ông Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc Điện lực Bình Thuận giới thiệu với Đoàn công tác Quốc hội về hệ thống điều khiển tại Điện lực Phú Quý

Trong khuôn khổ làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã biểu dương, đánh giá cao nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Điện lực Phú Quý từ khi thành lập đến nay, trải qua 24 năm đã duy trì, bảo đảm cung cấp nguồn điện liên tục, an toàn phục vụ đời sống, sinh hoạt của đông đảo người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh biển đảo tiền tiêu. Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với kiến nghị của lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Thuận để cùng Quốc hội xem xét chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại khu vực biển đảo như huyện Phú Quý để người dân cùng ngành điện tham gia đầu tư, góp phần phát triển năng lượng sạch đảm bảo cung cấp điện, giảm phát điện bằng dầu diesel, giảm lỗ phát điện và góp phần bảo vệ môi trường tại đảo Phú Quý.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tạo lập và khai thác dữ liệu với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa
Phải khẳng định rằng, trong những năm gần đây công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện diesel “chạy nền” cho năng lượng tái tạo phát triển