Theo dõi trên

Điển hình sản xuất giỏi: Lúa nếp cô Duyên !

17/03/2017, 08:06

BT- Từ 6 hộ trồng 20 ha lúa nếp xuất khẩu đến nay đã có 250 hộ tham gia trồng 400 ha. Những người trồng lúa nếp đã gọi giống lúa nếp xuất khẩu của mình bằng cái tên đậm đà “tình thương mến thương”: “lúa nếp cô Duyên” như là một cách hàm ơn người giúp họ ăn nên làm ra.

                
Các đoàn tham quan mô hình liên kết trồng    lúa nếp.

Thăm đồng Đức Tài, Đức Chính

Cánh đồng lớn của xã Nam Chính, Đức Chính và thị trấn Đức Tài (Đức Linh) thẳng cánh cò bay. Nắng sớm tỏa rộng làm cho những trà lúa nếp sắp thu hoạch như tăng thêm độ vàng óng ánh. Từ khu dân cư thôn 2, xã Đức Chính ra tận cánh đồng lúa nếp cả gần 10 cây số. Đường nội đồng gập ghềnh, nhưng chúng tôi không thấy mệt mỏi vì mãi nghe vợ chồng anh Trọng Nghĩa và chị Mỹ Duyên kể chuyện đời, chuyện đưa giống lúa nếp cao sản từ miền Tây về cắm xuống cánh đồng lớn giúp cho hàng trăm hộ dân vượt qua cái nghèo, cái khó.

                
Anh Phạm Chí Dũng thu hoạch lúa nếp vụ đông    xuân 2016-2017.

Cặp đôi Nghĩa - Duyên

Nguyễn Trọng Nghĩa sống với gia đình ở xã Đức Chính. Cuộc sống làm nông như đã “định mệnh” với Nghĩa. Đến năm 2014 khi Nghĩa bước vào tuổi 30 anh kết duyên cùng cô gái chính gốc miền Tây Khánh Hội, Long An tên là Đặng Thị Mỹ Duyên. Duyên cần cù chịu khó, không chỉ quen từng hạt lúa, hạt nếp trên cánh đồng Long An mà còn giúp gia đình kinh doanh lúa gạo ở xứ miền Tây. Sau khi kết hôn, Duyên theo chồng về Đức Chính làm ăn, cuộc sống bình dị như bao gia đình khác. Song, trong sâu xa, đôi vợ chồng trẻ quyết tâm vượt lên cái nghèo. Nghĩa tâm sự: “Đức Chính là một địa bàn thuần nông, chủ yếu trồng lúa, cuộc sống của người nông dân vất vả quanh năm, nhưng thu nhập chẳng là bao, nhất là những năm xảy ra thiên tai dịch bệnh, giá cả nông sản không ổn định… cái nghèo, cái khó cứ đeo bám dai dẳng. Vợ chồng tôi nghĩ cần phải thay đổi cây trồng khác thay thế cây lúa hạt tròn truyền thống ở vùng đất này để tăng thu nhập cho bà con. Chính lúc ấy Mỹ Duyên đã kể cho tôi nghe chuyện làm lúa xuất khẩu ở miền Tây. “Chỉ cần tìm được giống tốt, ổn định chất lượng hạt gạo, trồng theo quy trình sạch… sẽ có cơ hội anh à” - một lần Mỹ Duyên nói như rót vào tai tôi điều ấy. Và như để làm yên lòng tôi, trợ giúp tôi có một quyết định đúng đắn, Mỹ Duyên  kể thêm với tôi: Không ít người ở quê Duyên đã bán được lúa nếp cho Lào, cho Campuchia… nếu cần khi về Long An, Mỹ Duyên dẫn đi thăm… Lời vợ cứ thế thấm dần, thấm dần, để cuối năm 2014, tôi quyết định cùng về Long An với Mỹ Duyên, tìm hiểu, khảo sát mô hình liên kết sản xuất cây lúa nếp cũng như nghĩ đến việc  thực hiện sự liên kết ấy trên vùng đất Đức Linh...”. 

Nhân rộng mô hình

Sau khi được cán bộ xã Đức Chính động viên khích lệ, vụ đông xuân năm 2015-2016, vợ chồng Nguyễn Trọng Nghĩa và Đặng Thị Mỹ Duyên mạnh dạn thực hiện mô hình liên kết sản xuất cây lúa nếp (giống đưa từ Long An về). Lúc bấy giờ anh Nghĩa chỉ hướng dẫn trồng 20 ha lúa nếp với 6 hộ dân tham gia và số vốn vợ chồng anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Sau mùa vụ đầu tiên, nhiều hộ nông dân thấy sản xuất giống lúa nếp đầu tư phân, thuốc ít hơn, giống có sức kháng bệnh cao và năng suất vượt trội so với trồng lúa trước đây nên đã đăng ký với anh để mở rộng diện tích liên kết sản xuất lúa nếp. Thấy nhiều hộ còn lăn tăn chuyện làm ra sản phẩm và tiêu thụ, anh Nghĩa nói, luôn: “Tôi sẽ cung ứng giống lúa nếp và bao tiêu luôn sản phẩm”. Mới nghe Nghĩa nói bà con cũng chưa tin nên chị Duyên khảng khái trước hàng trăm hộ dân: “Bà con yên tâm, vợ chồng tôi sẽ lo hết việc bao tiêu sản phẩm, bao nhiêu cũng được…”.

Với mô hình trồng lúa nếp thay thế lúa hạt tròn truyền thống trên cánh đồng Đức Chính thoạt đầu chỉ 20 ha, nhưng đến nay đã hơn 250 hộ đăng ký trồng lúa nếp trên diện tích 400 ha. Riêng năm 2016 vợ chồng anh Nghĩa đã huy động vốn hơn 4 tỷ đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống đầu tư ứng trước cho nông dân và đầu tư vào những thửa ruộng của gia đình anh. Sản lượng lúa nếp cuối năm đã thu hơn 1.200 tấn, người dân tăng thu nhập phấn khởi và nhiều hộ đã trở nên khá giả.

Điều đáng nói hơn là không dừng lại ở địa bàn xã Đức Chính, những trà lúa nếp miền Tây do vợ chồng anh Nghĩa đưa về đã lan rộng ra hàng chục hộ ở Nam Chính, Đức Tài có ruộng trên cánh đồng lớn. Anh Phạm Chí Dũng tuổi đời mới ngoài 30, một nông dân vạm vỡ, chịu khó làm ăn ở thôn 5, Đức Tài có 6 ha ruộng, thấy mô hình trồng lúa nếp xuất khẩu của vợ chồng Nghĩa – Duyên năng suất khá, bán được giá cao nên anh dò la tìm hiểu. Thoạt đầu vợ chồng Dũng lưỡng lự sợ làm ra bán không được, vì xưa nay ở vùng Đức Tài chưa ai mua nếp với số lượng lớn… Nhưng được vợ chồng Nghĩa – Duyên động viên và cam kết tiêu thụ sản phẩm nên từ vụ đông xuân 2015 – 2016 Dũng tham gia liên kết sản xuất lúa nếp. Anh Dũng phấn khởi cho hay: “Tôi đã trồng 2 vụ lúa nếp, năng suất vụ nào cũng cao hơn sản xuất lúa hạt tròn trước đây, có vụ đạt 7-8 tấn/ha; giá lúa nếp cũng cao hơn giá lúa truyền thống từ 1.000-1.500 đồng/kg. Mỗi vụ tôi thu lãi 100 triệu đồng, nhờ có khoản tiền này mà chi tiêu trong gia đình rộng rãi hơn, cuộc sống ổn định…”. Anh Dũng chỉ tay về phía thửa ruộng rộng hơn 3 ha lúa nếp chín vàng óng ánh, máy gặt liên hợp đang thu hoạch vụ ba nói thêm với chúng tôi: “Vụ đông xuân này thời tiết thuận lợi, mã lúa nếp đẹp chắc chắn năng suất sẽ đạt 8 tấn/ha… Tôi thấy nếu mô hình liên kết sản xuất lúa nếp được mở rộng thì nông dân vùng này sẽ giàu”. 

Phát triển quy mô lớn

Khi đã có các điều kiện cần và đủ, vợ chồng anh Nghĩa, chị Duyên lại bắt tay vào thực hiện quy trình sản xuất lúa nếp khép kín. Anh Nghĩa cung cấp giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật theo dõi giúp nông dân về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa nếp nhằm bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Cuối vụ anh bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường. Anh Nghĩa nói thêm: “Hiện nay nền kinh tế nông nghiệp của đất nước phát triển mạnh, kể cả quy mô tăng trưởng và chất lượng sản phẩm. Để có điều kiện hòa nhập với nền kinh tế thị trường các nước trong khu vực thì phải mở rộng diện tích sản xuất và nâng chất lượng sản phẩm lúa nếp, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân. Chính vì vậy tôi có kế hoạch thành lập hợp tác xã liên kết sản xuất lúa nếp với diện tích quy mô lớn hơn. Sản phẩm lúa nếp của bà con thực sự đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu…”.

Nhận xét về mô hình liên kết sản xuất lúa nếp, ông Lê Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chính phấn khởi cho hay: “Liên kết sản xuất lúa nếp đang là chuyện thời sự của nông dân Đức Chính, Đức Tài, Nam Chính. Nếu trong năm tới sản xuất ba vụ với diện tích 1.200 ha, thì sản lượng thu trên 8.400 tấn lúa nếp. Giống lúa nếp vợ chồng anh nghĩa đưa về vùng đất này năng suất và sản lượng cao, chi phí lại thấp nên bước đầu đã thay thế một số diện tích sản xuất lúa hạt tròn trước đây của nông dân. Với mô hình này người dân tham gia nhiều, thu nhập khá hơn.  Vợ chồng anh Nghĩa đã góp phần hoàn chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Đức Chính.

Ghi chép: Hồ Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điển hình sản xuất giỏi: Lúa nếp cô Duyên !