Mục đích của Kế hoạch nhằm bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ phù hợp với quy hoạch cán bộ, tăng cường cán bộ cho những địa phương, cơ quan, đơn vị gặp khó khăn về công tác cán bộ; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trong kế hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhấn mạnh 5 nguyên tắc luân chuyển và bố trí cán bộ, đó là: Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác, giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thông chính trị tỉnh; Việc luân chuyển thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm; Thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 3 năm. Trường hợp cần bố trí cán bộ luân chuyển giữ vị trí khác khi chưa đủ thời gian luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định; Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi luân chuyển phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ và yêu cầu về công tác cán bộ của tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ; Trường hợp cán bộ luân chuyển được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến, thì không còn xem là cán bộ luân chuyển.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy căn cứ Kế hoạch này và nhu cầu, tình hình thực tiễn công tác cán bộ, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu phương án luân chuyển cán bộ cụ thể hằng năm theo kế hoạch này, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Hằng năm, căn cứ kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được phê duyệt và công tác đánh giá, nhận xét cán bộ; phát hiện, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, bổ sung những cán bộ có năng lực, triển vọng phát triển vào danh sách nguồn cán bộ luân chuyển. Phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, giúp đỡ cán bộ luân chuyển; tham mưu nhận xét, đánh giá, đề xuất bố trí, sắp xếp cán bộ trước và sau luân chuyển; tham mưu sơ kết, tổng kết về công tác luân chuyển cán bộ. Giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định đối với cán bộ được luân chuyển theo quy định; phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này. Giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách luân chuyển, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương. Cơ quan, địa phương nơi đi, nơi đến: Chấp hành nghiêm quyết định về điều động, luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí cán bộ và tạo điều kiện cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian được điều động, luân chuyển...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Việc luân chuyển cán bộ phải thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch; nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Cán bộ được luân chuyển phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức danh đảm nhiệm khi được luân chuyển và chấp hành nghiêm túc quyết định luân chuyển của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.