Theo dõi trên

Dìu nhau qua khó khăn

07/09/2021, 10:31

BT- Năm học mới 2021 – 2022 đã bắt đầu nhưng tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn rất phức tạp. Thay vì học trực tiếp như mọi năm, các em sẽ được học trực tuyến trên truyền hình hoặc học online để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, hiện nay nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không đủ điều kiện để học online. 

Ảnh minh họa.

Thiếu thiết bị học online

Theo công văn mới nhất của UBND tỉnh, học sinh khối THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu học từ ngày 20/9. Riêng lớp 9, lớp 12, các em vẫn tham gia học trực tuyến qua truyền hình và các hình thức khác từ ngày 6/9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều học sinh cuối cấp vẫn chưa có đủ điều kiện (thiết bị điện thoại thông minh, laptop, tivi) để học tập như mong muốn. Em Lê Ngọc Thiện – học sinh lớp 12A3 Trường THPT Hòa Đa (thị trấn Phan Rí Cửa – huyện Tuy Phong), là một trong những trường hợp như thế. Mẹ mất sớm, ba đi bước nữa rồi làm ăn xa, em đang sống với ông bà nội hơn 80 tuổi. May mắn Thiện được cô ruột yêu thương, cố gắng nuôi nấng em ăn học dù cô cũng chạy ăn từng bữa. Nay, nghe Thiện thông báo chuẩn bị học online, phải có thiết bị thông minh, 2 cô cháu buồn rầu vì lo miếng ăn hàng ngày đã khó, lấy đâu ra tiền mua máy móc. “Chưa xảy ra dịch, Thiện phụ chạy bàn ở quán cà phê, kiếm thêm trang trải cuộc sống. Mấy tháng nay, quán xá đóng cửa, tiệm tóc nơi tôi làm cũng vắng, nên thu nhập giảm hẳn. Thiện ham học lắm, nên tôi khuyên cháu kiếm bạn nào có máy học chung, khi nào có tiền tôi sẽ gói ghém mua cho cháu”, chị Lê Thị Ngọc Dung – cô ruột của Thiện chia sẻ. Là hộ nghèo của khu phố Song Thanh 2, bước vào năm học cuối cấp với muôn vàn khó khăn khi dịch Covid – 19 vẫn chưa được kiểm soát, nhưng Thiện tự hứa với mình phải tốt nghiệp ra trường, cố gắng vào đại học, vừa học vừa làm đỡ gánh nặng cho gia đình, có như vậy em mới thoát khỏi cái nghèo đeo bám.

Cũng rơi vào trường hợp như Thiện, em Nguyễn Bảo Quỳnh (lớp 12A10) thuộc hộ cận nghèo ở xóm 6 - khu phố Phú Hải, cũng đang lo lắng khi ngày học trực tuyến cận kề nhưng em chưa có thiết bị thông minh. Mẹ Quỳnh đi làm rồi kẹt luôn ở TP. HCM mấy tháng nay, mất việc làm, nên chị không còn thu nhập để gửi về nuôi mấy chị em Quỳnh. Bản thân chị kẹt ở TP. HCM hàng ngày phải xin cơm từ thiện sống qua ngày. Quỳnh và 2 đứa em (đang học lớp 2 và lớp 4) đang sống với ông bà ngoại đã lớn tuổi, nên vất vả bội phần. Quỳnh bảo: “Trong nhà em có cái tivi cũ, màn hình đã mờ rồi. Mấy hôm trước, bạn trong lớp cho em mượn điện thoại có kết nối mạng học đỡ, nhưng giờ bạn ấy đã lấy lại. Không có thiết bị học, em sợ sẽ mất kiến thức và theo không kịp các bạn trong lớp”. 

Sự chung tay của cộng đồng

Thiện và Quỳnh chỉ là 2 trong 18 trường hợp mà Ban Giám hiệu (BGH) Trường THPT Hòa Đa đang phát động kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ để các em có đủ điều kiện bước vào năm học mới khá đặc biệt này. Chỉ sau vài ngày kêu gọi trên facebook, BGH trường đã nhận được sự chia sẻ, góp sức mạnh mẽ từ các thầy cô giáo, học sinh cũ và các mạnh thường quân với số tiền hơn 32 triệu đồng và nhiều người đã hỗ trợ riêng cho từng trường hợp cụ thể. Tất cả các trường hợp không đủ điều kiện đều được nhận 2 triệu đồng hoặc thiết bị với cam kết phải sử dụng đúng mục đích hỗ trợ (mua sắm điện thoại thích hợp phục vụ việc học online). Tuy rằng, Trường THPT Hòa Đa đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, nhưng thầy và trò vẫn quyết tâm thực hiện tốt phương châm “Tạm dừng đến trường – Không dừng việc học”.

Hiện nay, việc các em học sinh, nhất là tuyến huyện thiếu trang thiết bị để học online là tình hình chung. Để đảm bảo các em được học đúng tiến độ và có hiệu quả, không riêng gì Trường THPT Hòa Đa, mà một số trường khác như Trường THCS Hòa Minh (xã Hòa Minh) cũng đang kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ hoặc tặng điện thoại thông minh, laptop, máy tính, tivi có kết nối internet (chỉ cần còn dùng được). Thầy Trần Hiếu Ninh – Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Minh chia sẻ: “Qua khảo sát, hiện trường có khoảng 100 em chưa có thiết bị để tham gia học trực tuyến. Trường cũng đang kêu gọi nhiều nguồn, hy vọng các em sẽ có đủ thiết bị trước ngày 20/9. Nếu lúc đó vẫn chưa vận động được, trường có phương án sẽ bố trí 2 – 3 em học cùng. Hiện nay, địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 nên việc đi lại còn dễ dàng, nếu không may chuyển sang Chỉ thị 16 thì một số em sẽ gặp khó khăn. Biết rằng, đây là giai đoạn thầy và trò đều gặp trở ngại khi dịch bệnh vẫn tràn lan, nhưng sự chung tay, đóng góp của cả cộng đồng trong thời điểm này sẽ là động lực rất lớn dìu các em học sinh qua năm học khó khăn này”. 

S.Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dìu nhau qua khó khăn