Những đồ ăn như mì tôm, bún khô, cháo gói, đồ hải sản khô, tươi sống, đông lạnh cùng với các loại rau củ, quả nhanh chóng hết hàng. Không khí mua bán chộn rộn đến khuya, cô em bán hàng tạp hóa nói rằng ngày thường bán thong dong nhưng từ chiều đến khuya cứ bán liên tay mà chẳng kịp.
Sáng ngày 13/7, không khí mua bán tại các chợ vẫn chưa hạ nhiệt. Người người chen lấn như nêm, hàng trứng mới ngổn ngang bao nhiêu là trứng thì phút chốc đã không còn quả nào. Hàng thịt, người cũng chen nhau chật cứng, giữa buổi chợ người ta còn chạy về làm thêm heo mới đủ hàng bán.
Dù gia đình không còn đồ ăn nhưng tôi cũng chẳng dám lao thân ra chốn đông đúc để mua bán lúc này. Bởi tôi nghĩ, chưa chết đói có khi đã chết vì Covid.
Đúng 11 giờ 30 phút, tôi mới bắt đầu đi vào chợ. Lúc này, hàng cá chỉ còn vài người bán, hàng rau, hàng thịt vẫn còn khá nhiều. Buổi sáng hết trứng nhưng giờ người bán đã đem về một lượng hàng không hề nhỏ.
Chợ lúc này cũng không còn cảnh chen lấn, xô đẩy nhau mua đồ. Hàng hóa nhiều, giá cả gần như vẫn ổn định như bao ngày thường. Thịt heo 120 ngàn/ký ba rọi, cá cam quỵt cũng chỉ 70 ngàn/ký… riêng trứng và đồ củ quả có tăng nhẹ chút ít.
Thấy tôi đi chợ, có người bán hàng quen mặt lên tiếng: “Ai cũng sợ hết hàng nên sáng người ta tranh nhau mua. Đi giờ này như cô mà lại thoải mái. Chỉ sợ không có tiền chứ hàng chẳng bao giờ thiếu”.
Đổ xô ra đường, chen lấn nhau mua hàng là cảnh vẫn thường thấy mỗi khi trên địa bàn nào đó có ca nghi nhiễm covid. Nhiều người sợ hàng hết không mua được mà không nghĩ rằng việc ai cũng đổ xô ra đường vào giờ ấy mới thật sự là nguy hiểm. Chỉ nghĩ, trong số những người đang chen lấn, xô đẩy nhau mua hàng kia có ai đó là F0 thì chưa biết hậu quả sẽ nguy hiểm đến nhường nào?
Phan Tuyết