Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong cho biết: Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192km. Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, Bình Thuận đã đầu tư nguồn kinh phí để xây dựng nhiều tuyến đê, kè dọc ven biển, góp phần hạn chế xói lở bờ biển, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là triều cường, lũ, bão với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng sạt lở bờ biển với quy mô ngày càng lớn. Đáng lưu ý như tuyến bờ biển xã Tân Tiến, thị xã La Gi bị sạt lở khoảng 1.200 m, ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống dọc bờ biển…
Đoàn khảo sát thực tế tại các điểm sạt lở |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Đây là hoạt động nằm trong chuỗi khảo sát của Quốc hội để nắm thêm tình hình xói lở bờ biển ở các địa phương. Qua khảo sát và báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận cho thấy, tình hình sạt lở ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Việc khắc phục sự cố là rất cấp thiết. Ông Phan Xuân Dũng nêu ra một số giải pháp đã từng được các địa phương triển khai như trồng cây chắn sóng, đê chắn sóng, kè mềm, phá sóng từ xa... Ngoài ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp đã tham gia làm kè. Đây là một hướng đi cần nghiên cứu và mở rộng thêm. Trước mắt, ôngPhan Xuân Dũng đề nghị tỉnh Bình Thuận báo cáo lại với Bộ Nông nghiệp & PTNT những công trình theo thứ tự ưu tiên để trình Quốc hội.
Trước buổi làm việc với UBND tỉnh, đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra thực tế tại một số vị trí xói lở bờ biển trên địa bàn thị xã La Gi, Tp. Phan Thiết và huyện Tuy Phong.
Kiều Hằng