Theo báo cáo của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT (chủ đầu tư), tổng diện tích sử dụng để xây dựng dự án là 111,76 ha, tổng mức đầu tư theo Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 là 950,018 tỷ đồng. Dự án nhằm mục tiêu cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Dự án được chia làm 3 gói thầu, gồm gói thầu số 9 xây lắp và thiết bị tuyến kênh dài 23,6 km, giá trị hợp đồng là 249,828 tỷ đồng. Khởi công ngày 23/8/2018, với thời gian dự kiến hoàn thành ngày 31/10/2020. Gói thầu số 10 xây lắp và thiết bị tuyến kênh dài 16,5 km và gói thầu số 16 xây lắp đường giao thông đoạn từ QL.28 đến QL.28B dài 38,26 km.
Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương, đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý dự án và các huyện. Tuy nhiên qua giám sát thấy rằng tiến độ triển khai còn chậm, nhiều khó khăn vướng mắc chưa giải quyết kịp thời. Nhất là vướng về đất rừng, các thủ tục đền bù còn chậm do trở ngại xung quanh áp giá đền bù, hỗ trợ. Mặt khác, sự phối hợp giữa Ban Quản lý dự án với huyện, xã chưa thực sự đồng bộ. Chính vì vậy hiện nay vẫn còn 132 hộ ảnh hưởng đến 96 km tuyến kênh mương và 19,16 km đường chưa thể triển khai thi công…
Về nguyên nhân, việc tháo gỡ giải quyết kiến nghị của tỉnh với cấp trên còn chậm. Trách nhiệm của các địa phương từ huyện đến xã, các cơ quan có liên quan có lúc chưa tập trung, nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, thiếu nhịp nhàng. Do đó, đoàn ĐBQH kiến nghị, cần nhận thức rằng đây là công trình rất có ý nghĩa về kinh tế - xã hội của nhân dân 3 huyện. Nếu tuyến kênh khai thác vận hành sớm, sẽ thúc đẩy sự phát triển khu vực nông thôn.
Vấn đề hiện nay là phải giải ngân vốn đầu tư công, phải xác định trách nhiệm đầy đủ trước yêu cầu hiện nay. Tất cả các cấp ngành liên quan, nhất là Ban Quản lý dự án là chủ đầu tư phải chủ động nhiều hơn nữa để triển khai tốt việc đẩy nhanh tiến độ thi công, để hoàn thành khai thác đi vào sử dụng. Trách nhiệm của các huyện rất quan trọng, nhất là tuyên truyền vận động về chính sách đền bù, các quy trình đền bù đã được ký kết. Về các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp giải quyết những khó khăn vướng mắc của chủ đầu tư và các địa phương, không được chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020, phải phấn đấu giải ngân số vốn còn lại ở mức cao nhất 213,4 tỷ đồng, ít nhất 80% số vốn này. Phải căn bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công trong tháng 10/2020.
Về nhiệm vụ cụ thể, đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương triển khai ngay các thủ tục liên quan đến rừng, chậm nhất đến ngày 15/10 phải hoàn thành thủ tục hồ sơ và tổ chức thi công. Tiếp tục chủ động phối hợp với các huyện, sở tháo gỡ khó khăn về đền bù, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh có cơ chế giao ban với các cơ quan liên quan bằng những hình thức thích hợp. Rà soát thực tế tình hình thi công và tiến độ bàn giao mặt bằng đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm giải ngân vốn. Đối với các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong và các xã liên quan, đề nghị chỉ đạo tuyên truyền vận động, để nhân dân hiểu rõ lợi ích của đền bù, bàn giao mặt bằng thi công. Cần thiết phải có kế hoạch bảo vệ thi công đối với những trường hợp cụ thể…
KiỀu HẰng