Tiếp và làm việc với đoàn có bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo các cơ quan tố tụng; các sở, ban, ngành có liên quan.
Công tác bồi thường Nhà nước (BTNN) trên địa bàn Bình Thuận thời gian qua đã được lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã và đang giải quyết bồi thường 6 vụ việc, trong đó 1 vụ đã giải quyết dứt điểm, 1 vụ đang trong quá trình giải quyết, còn 4 vụ không thuộc phạm vi Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN).
Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe đại diện Sở Tư pháp và các cơ quan báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường Nhà nước địa bàn tỉnh. Trong đó, nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị với đoàn như: vụ việc yêu cầu bồi thường xảy ra quá lâu khó khăn trong việc xác minh thiệt hại để tính toán tiền bồi thường; người thi hành công vụ già yếu mất trí nhớ không nhớ cụ thể chi tiết vụ án và quá trình tiến hành tố tụng vụ án; cần điều chỉnh thời gian giải quyết bồi thường cho phù hợp tình hình thực tế; mở lớp tập huấn để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho người làm công tác này...
Cùng với đó, Sở Tư pháp đề nghị đoàn kiến nghị với cấp có thẩm quyền quy định khả thi hơn về thời gian giải quyết bồi thường, để tránh việc giải quyết chậm gây bức xúc cho người bị thiệt hại; Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét thống nhất về án phí, lãi suất chậm thi hành án đối với các vụ việc được giải quyết theo Luật TNBTCNN và hướng dẫn thực hiện.
Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trên đã được các bên trao đổi, giải đáp, làm rõ tại buổi làm việc. Trong đó, phía đoàn chỉ ra thiếu sót trong báo cáo thực hiện công tác bồi thường Nhà nước địa bàn tỉnh và yêu cầu địa phương bổ sung, hoàn thiện để cung cấp cho đoàn... Đồng thời, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác này theo tinh thần các văn bản có liên quan cũng như Luật TNBTCNN.
Tiếp thu góp ý của đoàn công tác, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan tố tụng ngay sau buổi kiểm tra gửi thêm thông tin, số liệu về cho Sở Tư pháp để sở bổ sung hoàn chỉnh báo cáo gửi cho đoàn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan cần quan tâm hơn đến công tác này vì theo đánh giá, phân tích của đoàn, nếu không quan tâm thì nguy cơ xảy ra việc bồi thường và phải chịu trách nhiệm rất cao. Ngoài ra, cần quan tâm công tác lưu trữ hồ sơ để khi cần cung cấp cho Sở Tư pháp đầy đủ...
Ông Lê Thái Phương – Phó Cục Trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp đánh giá cao việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước của địa phương. Song, ông mong muốn địa phương quan tâm hơn công tác này khi dẫn chứng một số vụ sai phạm ở các tỉnh, thành khác giúp địa phương lưu ý để không xảy ra tình trạng tương tự.
Đồng thời, ông đề UBND tỉnh khi phân công nhân lực phục vụ công tác này phải theo hướng ổn định, tránh tình trạng thay đổi thường xuyên ảnh hưởng hiệu quả công tác, bởi tính xuyên suốt sẽ chuyên sâu hơn. Ngoài ra thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ bí mật nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước...