Xe container chở thanh long sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh minh họa |
Bán xe lỗ 2,6 tỷ đồng
Cách đây khoảng 2 tuần, ông Cường - giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TP. Phan Thiết bán được 2 chiếc xe container đầu kéo trong niềm vui lẫn nỗi buồn. Vui vì mấy tháng trời nay rao bán xe nhưng không ai đến hỏi mua, giờ bán được xem như cắt lỗ. Còn buồn thì chỉ trong chớp mắt đã thấy bay mất 2,6 tỷ đồng. Năm 2015, ông đóng 2 xe này với giá 1,9 tỷ đồng/xe, tính ra chỉ 20 tháng, bán đi chỉ còn được 600 triệu đồng/xe, có nghĩa mỗi xe ông bị lỗ đến 1,3 tỷ đồng. Nhưng như thế, vẫn còn may, bởi nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng đang muốn bán xe nhưng chưa bán được. Gần nhất như em của ông còn bi đát hơn, khi rao bán 2 xe container đã mấy tháng nay mà không ai đến mua. Trong tình cảnh này, có thể xe container đầu kéo còn xuống giá nữa, trong khi em ông đóng xe mất đến 2,2 tỷ đồng/xe.
Hỏi vì sao phải bán đổ tháo xe đi, ông Cường cho biết, xe không lăn bánh, dù nằm bãi vẫn cứ phải đóng phí đường bộ hàng tháng, hàng năm. Khi xe hết thời hạn đăng kiểm, tạm dừng hoạt động thì khi đi đăng kiểm lại cũng bị truy thu phí bảo trì đường bộ trong thời gian xe không lăn bánh. Còn nếu xe được ra đường, dù hàng hóa ít hay đúng tải trọng thì cũng phải đóng phí bảo trì đường bộ và phí qua các trạm BOT, cộng thêm giá xăng dầu lên cao từ đầu năm đến nay thì có hoạt động cũng lỗ. Mỗi xe của ông chở thanh long ra Lạng Sơn mất hết 11 triệu đồng tiền phí qua các trạm BOT, 26 triệu đồng tiền dầu và nhiều loại phí có tên, không tên khác nữa nên càng hoạt động, càng thua lỗ, trong khi nợ ngân hàng đều phải trả hàng tháng.
Theo ông Cường, mấy năm trước, việc chuyên chở thanh long của doanh nghiệp ông ra biên giới giáp Trung Quốc thuận tiện, bằng chứng từ 1 xe container, ông đã sắm được thêm 4 chiếc khác. Nhưng 2 năm nay thì việc làm ăn bị bết bát dần. Xe phần lớn nằm bãi phơi nắng, phơi sương nên doanh thu doanh nghiệp sụt giảm, trong khi xe lăn bánh được cũng phải chật vật trong tính toán bảo đảm cho thu chi. Lý do như ông Cường phân tích, thời gian gần đây, số lượng xe container chở thanh long tăng nhiều, trong khi nguồn hàng xuất qua đường tiểu ngạch cũng không còn nhiều như trước nên việc chia sẻ hàng là đương nhiên. Ông buồn rầu lo lắng về tương lai 3 chiếc xe container còn lại. Nếu không có hàng, chắc chắn phải bán tháo đi để cắt lỗ.
Nhiều cản ngại
Không chỉ mặt hàng thanh long, các mặt hàng khác, cũng ở trạng thái như vậy. Theo các nhà xe, trước đây bình quân mỗi xe container hoạt động chỉ 9 tháng/năm, tức 275 ngày; 90 ngày còn lại, xe phải nghỉ do nhiều nguyên nhân như nghỉ lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật, nghỉ để bảo trì, bảo dưỡng hoặc đem xe “đi xét”... Còn nay có thêm những ngày ngưng hoạt động do tình hình kinh doanh khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp vận tải hiện đang rơi vào vòng xoáy khó khăn, rơi vào hoàn cảnh giành giựt nhau từng lô hàng để chuyên chở.
Ông Dương Đức Ý, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Bình Thuận cũng xác nhận tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội đang rất khó khăn. Một số thành viên đã bán tháo xe để cắt lỗ. Nhìn chung, các thành viên đang đối diện tình cảnh thiếu nguồn hàng chuyên chở nhưng giá cước lại giảm mạnh do cạnh tranh, trong khi vẫn phải “gánh” các loại phí bảo trì đường bộ, phí BOT, phí thuê bãi đậu... Không chỉ phí, các doanh nghiệp ở Bình Thuận còn đóng thuế vận tải rất cao so với TP. HCM. Tất cả đang là gánh nặng khiến doanh nghiệp thua lỗ, phải bán rẻ xe.
Trước tình hình trên, hiệp hội cũng đang bàn tính hướng tháo gỡ. Có thể, vận động hội viên san sẻ nguồn hàng cho nhau, vì có doanh nghiệp hàng chở không hết nhưng cũng có doanh nghiệp để xe nằm bãi. Dù việc này biết rất khó trong thương trường nhưng ở chức năng của mình, hiệp hội phải gắn kết, giúp đỡ. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ kiến nghị tỉnh tính toán hạ mức thuế phải đóng của các doanh nghiệp vận tải…
Bích Nghị