Các tác phẩm trong tập văn hướng về các đề tài: Gia đình, những ân nhân của gia đình tác giả, tình yêu, tình bạn, trường cũ, tình thầy trò, tình yêu biển, biến cố huê hụi, cùng những đề tài khác.
2. Đọc những bài trong tập sách, độc giả cảm nhận được: Tác giả tâm tình với bạn đọc những mẩu chuyện về đời mình: Tuổi thơ nghèo khó, mẹ bệnh nặng, phải nhờ sự cưu mang của người anh, người gọi mẹ ông bằng cô ruột. Ông chăm chỉ học hành. Mẹ dạy ông phải làm điều ngay thẳng. Khi gia đình khó khăn quá, ông có ý định nghỉ học, mẹ ra tận Nha Trang để ngăn ý định ấy của ông. Ông kể về ngôi Trường Phan Bội Châu ông đã học, một vài hoạt động thời còn là học sinh. Những năm tháng khó khăn thời bao cấp, đã có học sinh cũ giúp đỡ ông lúc gia đình ông ngặt nghèo. Ông kể về ba anh em trai của ông hết lòng thương yêu nhau. Đọc những trang văn sinh động, mang tính chân thật rất cao của cố nhà thơ, bạn đọc có thể có cái nhìn lướt qua, hiểu một phần nào về cuộc đời tác giả.
Là tác giả đã từng nhận được giải C Giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh Bình Thuận lần thứ I, năm 1997, với chùm truyện ký, cố nhà thơ Từ Thế Mộng đã sáng tác những truyện ngắn, những truyện ký, tùy bút rất giàu cảm xúc, dễ tạo sự xúc động trong lòng độc giả. Có thể kể: “Dáng mẹ trăm chiều”, “Mẹ sà cánh tới”, “Nơi có chỗ mẹ nằm”, “Cha và con trai”, “Một bông hồng cho con”, “Anh Giáo tôi”, “Em học trò của tôi xưa”, “Chú bé bán củi”, “Bài học nhớ đời”, “Sao buổi chiều đó trời lại cao như thế”…
3. Nhà thơ Từ Thế Mộng đã khéo đưa những chi tiết sống động, đầy hình ảnh từ cuộc đời thực, từ những trải nghiệm sâu sắc, khó quên trong đời ông, của những người thân yêu quanh ông vào các trang truyện ngắn, truyện ký, những tùy bút, để những trang viết của ông tác động mạnh vào trái tim người đọc. Trong truyện ký “Dáng mẹ trăm chiều”, khi biết con lấy cắp trầu từ ga xe lửa đem về, hình ảnh người mẹ đã được tác giả diễn tả sống động qua đoạn: “Giọng bà hổn hển vì cơn giận bị ghìm lại lâu quá: - Đồ ăn cắp! Quân đội đầu xe lửa! Mi…Mi…/ Lưỡi bà líu lại thì tay bà vung rộng ra. Cả liễn trầu xòe hàng trăm cái cánh bay ào ạt vào mặt chú: - Mi lượm của mi đi, cho ai thì cho. Tao không lấy của loài ăn cắp! Mặt chú tái ngơ tái ngắt, chao đảo cúi xuống. Tay chú run rẩy, hầu như không còn chút sức lực nào”.
Trong “Cha và con trai”, đó là chi tiết: Ông có con trai đi học đại học ở thành phố, thời điểm con đi học, kinh tế gia đình ông khó khăn. Khi mới có bài đăng báo, ông đã vội vàng làm giấy ủy quyền cho con đến tòa soạn để nhận nhuận bút ngay. Ông biết rõ “Tuy biết là khó coi, nhưng để con có chút bồi dưỡng, người cha dẫu có khó coi cách mấy, cũng đâu có nhằm nhò gì!”.
Có những chi tiết yên ả: Ba anh em, đi trong đêm giao thừa: “Ba anh em không nói gì, cầm tay nhau đi. Không gian ầm tiếng pháo. Nhà nhà đều mở cửa, bàn thờ nghi ngút khói hương. Dưới hàng hiên, xác pháo rải hồng như hoa rắc” (Giao thừa đi giữa đường thơm).
Đã có những chi tiết bộc lộ sự tức giận của ông, trước thái độ của người dượng vợ của mình - người ấy là chủ xe, ông là người phụ việc - nhục mạ ông: “Tôi muốn gì ư? Ly nước nào quá đầy mà không tràn. Người ta có thể chết, nhưng không thể bị làm nhục mãi được. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông chủ, trả lời: Tôi muốn thôi việc!” (Sao buổi chiều đó trời lại cao như thế).
Và có rất nhiều chi tiết khác của đời thường nhưng có sức gợi lớn, trong những truyện ngắn, tùy bút khác của ông ở tập sách này.
4. Sinh thời, tại những đêm thơ do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, ông thường tự đọc thơ mình sáng tác mà không nhờ người khác diễn ngâm. Ông đọc rất to, diễn cảm, thật sảng khoái. Tính ông thích vui, hào sảng, dễ gần gũi với mọi người. Tính dễ bộc lộ cảm xúc của mình cũng đã được ông thể hiện ở những trang viết của ông trong tập văn “Dáng mẹ trăm chiều”. Nhiều cụm từ, câu ngắn, từ cảm thán đã được tác giả Từ Thế Mộng đưa vào những trang văn của ông, ở giữa, ở cuối những đoạn: “Trời ơi, má ơi là má!” cùng với: “Nơi nào con cần là mẹ sà cánh tới. Mẹ ơi!” (Mẹ sà cánh tới). Hay ở “Dáng mẹ trăm chiều”, đó là: “Má ơi! Con xin vòng tay cúi nghe lời má”. Còn ở truyện “Anh Giáo tôi”, tác giả đã viết: “Theo giấy khai sinh, tôi sinh ra ở Phan Thiết. Tôi mà sinh ra ở Phan Thiết? Thật là buồn cười!”...
5. Đọc kỹ các truyện ngắn, tùy bút của nhà thơ Từ Thế Mộng trong tập văn “Dáng mẹ trăm chiều”, mới thấy rằng: Với tâm hồn của một thi nhân, ông đã viết về những người thương yêu nhất của ông: mẹ, vợ, các con, học trò, bằng hữu, người anh họ, các anh em ruột… bằng những tình cảm dạt dào, đằm sâu nhất, và trong những trang văn ấy, không ít trang đậm chất thơ, độ mượt mà, sinh động.
Bạn đọc có thể đọc những câu văn tràn đầy tình thương mẹ trong truyện: “Dáng mẹ trăm chiều”: “Má ơi! Con xin vòng tay cúi nghe lời má. Dù nghèo đói cũng sống một đời trong sạch! Nhưng lạy má, con chỉ là chú bé tóc thưa dù bốn mươi năm đã trôi qua, vẫn mơ một lần được như ngày nhỏ, cầm liễn trầu xanh ngắt, con sải cánh bay về dâng tặng má thương yêu!”.
Cố nhà thơ Từ Thế Mộng đã viết những câu văn thật đẹp, thật lạ, đầy tình cảm chân thành, mang nặng ơn sâu của mẹ con anh, khi anh viết về một người anh họ, là cháu của mẹ anh, đã cưu mang gia đình anh trong những tháng ngày cực kỳ khốn khó: “Lòng anh như biển rộng, không biết đâu là tận cùng. Tôi như con thuyền nhỏ nhờ anh, sống trong đời sống. Tôi muốn vẽ lại, vẽ anh mà trong đó có tôi. Một con thuyền nhỏ đòi nắm bắt được cái thần thái của biển cả mông mênh khiến người xúc động? Thật khó hơn đường lên trời! (Anh Giáo tôi).
Văn chương diễn tả về những lúc chuyển dạ của người phụ nữ, diễn tả lúc người đàn ông đón đứa con của mình chào đời, có sự góp mặt của Từ Thế Mộng ở truyện ký: “Một bông hồng cho con”. Nhà thơ đã giúp chúng ta hiểu cảm xúc lúc ấy trào dâng trong ông như thế nào: “Bỗng dưng anh nhớ mẹ lạ lùng. Một làn gió nào đó vừa thổi tới. Một làn hương nào đó vừa ngọt ngào bay lại. Anh thấy thương vô cùng, ngưỡng vọng vô cùng mẹ anh, mẹ em, mẹ tất cả, tất cả… Anh muốn quỳ xuống. Anh muốn đứng lên. Anh muốn chắp cả hai bàn tay anh lại…”.
Nhà thơ của chúng ta thật sự yêu biển. Sinh thời, ông đã từng tận hưởng những sảng khoái cùng sóng biển mỗi ngày. Ở “Huyền thoại biển”, ông viết với một tâm trạng phơi phới, yêu đời, như với sức trẻ của một thanh niên: “Ôi, mới cách biển có 22 ngày mà ngỡ như đã ngàn ngày không gặp! Cả không gian xanh tràn ngập làn gió mát. Sóng vồ vập, cả ngàn con chạy ùa tới đón. Biển của tôi! Biển của tôi! Tôi muốn hét to cho cả trời đất biết. Tôi muốn choàng tay ôm hết biển vào lòng!”.
Đọc “Cha và con trai”, người viết bài thật sự đồng cảm với nhà thơ Từ Thế Mộng khi ông viết về người con trai yêu quý của mình: “Tôi biết cháu đang tự hoàn thiện mình. Dù vậy, cháu vẫn không giống với hình ảnh đứa con trai tôi vẽ ra từ trước. Rất khác tôi! Cháu vẫn là cháu, vụng về, đáng yêu một cách rất riêng! Thôi, không nên đòi hỏi nhiều. Duy rất khác mà cũng rất giống với đứa con mà bất cứ một người cha nào cũng hằng ao ước muốn có”.
6. Đọc “Dáng mẹ trăm chiều” của cố nhà thơ Từ Thế Mộng (Nguyễn Đình Tư), thật lòng tôi đã rơi nước mắt ở nhiều trang viết của ông. Tôi nhớ đến ông, một con người hào sảng khi sống cùng bạn bè, với người thân. Tôi nghĩ về những suy tư, trải nghiệm, những buồn vui trong đời ông, được ông trải lòng trong tập sách này. Tôi càng cảm động hơn, bởi những điều ông viết từ rất nhiều năm trước, sao có những điều vẫn gần gũi với tôi vào lúc này.
Lại chợt nhớ đến những dòng ông đã viết ở tác phẩm “Chim sẻ”: “Sông chảy theo đời sông. Suối trôi theo đời suối. Tất cả đều thuận dòng trôi đi, sống trong đời sống. Chẳng cũng sướng sao!”. Có lẽ nghiệm suy của nhà thơ Từ Thế Mộng đã đúng với cuộc đời của ông, và cũng đúng với không ít người trong chúng ta nữa.