các cộ bánh chuẩn bị "à nia" ở miếu Thanh Minh. |
Thỉnh cộ
Chúng tôi về thị trấn Liên Hương khi nắng xuân đong đưa trên cành cây, ngọn cỏ. Màu no ấm hiện lên từng ngôi nhà, trong sắc thái phố thị nhộn nhịp. Ông Đỗ Thanh Lương (82 tuổi) ở thị trấn Liên Hương cho biết dù cuộc sống vẫn còn nhiều bộn bề, lo toan nhưng mọi người vẫn đón một cái tết đầm ấm, vui tươi trong tình yêu thương, đùm bọc, chia sẻ của cả cộng đồng. Sau Tết Nguyên đán là đến Tết Nguyên tiêu, với lễ rước cộ và “xô cộ”, “à nia” độc đáo. Người người, nhà nhà ai nấy đều phấn khởi, náo nức không chỉ với ước nguyện một năm phúc lộc mà còn là đoàn kết cộng đồng làng xã, khơi gợi lòng tự hào sâu sắc về vùng đất mà mình sinh sống.
Ông Lương kể, miếu Thanh Minh có từ khi lập làng Liên Hương vào thời vua Minh Mạng thứ 13, nơi ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân Liên Hương. Hàng năm, ngôi miếu này có 3 lễ cúng lớn, đó là lễ cúng rằm tháng giêng, Thanh Minh và rằm tháng 7. Xưa, lễ vật dâng cúng đều là những sản phẩm đặc trưng của cư dân nông nghiệp, trong đó chủ yếu 2 loại bánh được làm từ gạo nếp quê hương, chính giữa không nhân, ngoài gói bằng lá chuối gọi là bánh cấp (gói dài khoảng 1 gang tay) và bánh cúng (gói hình chữ nhật). Tất cả các sản vật đều được xếp lấp đầy đặn theo thân khung tre hình tháp chuông, cao từ 1 - 1,5m (bán kính đáy 50 phân), gọi là cộ bánh. Trước đây, dân làng góp chung lại cúng 2 cộ bánh (đực - cái), mỗi cộ nặng đến 7 - 8 người khiêng, nhưng sau này mỗi gia đình dâng cúng riêng, gia đình nào có điều kiện dâng cúng từ 3 - 4 cộ, ít thì 1 - 2 cộ bánh, dịp rằm tháng giêng, miếu Thanh Minh tiếp nhận từ 130 - 160 cộ bánh. Giờ, lễ vật cúng có thêm trái cây, nước ngọt, bánh ngọt…
Công việc rước cộ bánh ở từng nhà dân đưa về miếu Thanh Minh được chuẩn bị kỹ càng, trang nghiêm và thành kính. Bắt đầu vào ngày 14 âm lịch, miếu Thanh Minh tổ chức 2 đoàn đi thỉnh cộ. Trước khi đoàn rước khởi hành, các bậc cao niên thắp hương kính cẩn mời anh linh chứng giám. Đoàn rước xuất phát từ sân miếu, có cờ Tổ quốc, cờ lệnh và dẫn đầu là đội múa lân, các vị chức việc, xe trống. Đến từng nhà, trưởng đoàn là các chức việc ở miếu ăn mặc lễ phục truyền thống bước vào thắp hương và khấn vái bàn thờ tổ tiên gia chủ, đội lân múa bài biểu diễn. Sau khi thực hiện xong các nghi thức, trưởng đoàn xin phép gia chủ được rước cộ bánh đưa về miếu. Tất cả các phẩm vật dâng cúng đều được đoàn rước cộ đưa về miếu Thanh Minh và sắp xếp lên một sân khấu dựng trước sân miếu cao hơn 2 m, chiều ngang rộng hơn 15 m.
Hễ nghe tiếng trống lân rước cộ đi đến đâu là già trẻ, lớn bé đều kéo theo đến đó. Vui nhất có lẽ là đám trẻ con, tròn mắt nhìn con lân đẹp tung những động tác uốn éo lạ thường, cười khoái chí với “Tề Thiên Đại Thánh” múa gậy “quậy” tưng bừng, thích thú với Ông Địa cười toe toét với chiếc quạt phe phẩy trên tay… Các gia chủ có cộ bánh dâng cúng thì vui mừng, nhà cửa rộn ràng, được nhiều nhân vật vui nhộn như lân, Tôn Ngộ Không, Ông Địa... ghé vào năm mới sẽ làm ăn thuận lợi, phúc lộc sẽ về...
Ông Nguyễn Văn Thành (75 tuổi) ở thị trấn Liên Hương cho biết, năm nào gia đình cũng dâng cúng miếu Thanh Minh 2 cộ bánh cấp, bánh cúng. Đây là những sản vật từ đồng ruộng quê nhà, như gửi gắm tâm nguyện về một năm mới bình an, may mắn. Theo ông Thành, lễ rước cộ cũng là cách người dân khơi dậy, tôn vinh niềm tự tôn, tự hào dân tộc, tình yêu thương, đoàn kết trong tinh thần, tâm thế cộng đồng dân cư, thể hiện mong ước bình dị về một cuộc sống an lành, no đủ.
Vui “xô cộ”, “à nia”
Lễ cúng rằm tháng giêng hàng năm là theo tục lệ của làng có từ lâu đời truyền lại, với ý niệm con dân làng nước sau một năm làm ăn phát đạt, tưởng nhớ đến các đấng linh thiêng phù hộ, dâng sản vật tỏ lòng thành, cầu mong cho năm mới xóm làng bình yên, mưa thuận, gió hòa, được mùa tôm cá... Lễ cúng đúng vào đêm rằm, thời điểm mặt trăng tròn nhất, như mong muốn khởi đầu một năm tròn trịa, gia đình phát đạt, ấm no, hạnh phúc.
Đoàn rước cộ. |
Lễ cúng rằm tháng giêng diễn ra vào lúc 9 - 10 giờ đêm. Trong lễ cúng có nghi thức tụng niệm những oan hồn chư linh; cầu cho muôn dân no ấm, an lành, thái bình thịnh vượng, xóm làng đất nước phát triển. Khi lễ cúng kết thúc, những người có nhiệm vụ “xô cộ” vào đứng tại vị trí mỗi cộ bánh. Sau khi nghe kết thúc một hồi trống giục, họ liền xô ngã các cộ bánh xuống đất. Lúc này, mọi người dân đang chờ sẵn bên dưới (không phân biệt thành phần, giai cấp, già trẻ, gái trai...) cùng thi nhau đoạt lấy bánh, hưởng lộc. Cũng như lễ “xô cộ”, người giật nhiều sản vật (gọi là à nia) càng đông thì gia đình càng phấn khởi, bởi đó là sự báo hiệu những điều may mắn, phúc lộc dồi dào, năm mưa thuận gió hòa trong năm mới.
“Mỗi năm, cứ vào dịp rằm tháng giêng về, nhân dân khắp nơi háo hức đi rước cộ và thức trắng đêm vui cùng “xô cộ”, “à nia”. Đây là nét văn hóa đặc sắc của cư dân thị trấn Liên Hương từ xa xưa, mang đến cho tất cả người dân một tinh thần mới, khí thế mới, một không khí lao động hăng say mới góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”- ông Đỗ Thanh Lương nói.
MINH CHIẾN
Gửi bình luận Đóng