Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng chiến lược của Philippines cũng như sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Rodrigo Duterte, và cả 2 bên đều sẵn sàng làm mọi cách để có được điều đó.
Ảnh: SCMP
Mỹ và Trung Quốc ra sức “lôi kéo” Philippines
Báo Manila Bulletin đưa tin, hôm 18/9, Bộ Nông nghiệp Philippines tuyên bố mở cửa một phòng thí nghiệm nghiên cứu về bệnh tật ở động vật do Mỹ góp quỹ ở khu vực miền trung Luzon.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết, ông đã trao hơn 5.000 bộ kit vệ sinh, 16 trạm rửa tay cho thị trưởng Manila để hỗ trợ các nỗ lực của địa phương trong cuộc chiến chống Covid-19. Tháng trước, Mỹ cũng cung cấp cho quốc gia Đông Nam Á này 100 máy trợ thở mới.
Động thái mới của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tới Philippines.
Trong các cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Delfin Lorenzana và Tổng thống Rodrigo, hai bên đã nhất trí làm mới lại bản ghi nhớ 2004 về hợp tác quốc phòng, hướng tới giải quyết tốt hơn các bất đồng ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho biết, nước này cam kết hỗ trợ 20 triệu USD các thiết bị phi chiến đấu cho Lực lượng vũ trang Philippines.
Những động thái “hào phóng” của Mỹ và Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Philippines đối với cả 2 cường quốc này trong bối cảnh đối đầu giữa 2 bên ngày càng leo thang trên nhiều mặt trận.
Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corporation, nói rằng Philippines có tầm quan trọng thực sự đối với Mỹ không phải chỉ vì Manila là nơi đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ, mà còn vì Manila là một đồng minh hiệp ước có liên quan trực tiếp vào các tranh chấp trên Biển Đông.
Mối quan hệ đó đem lại cho Mỹ một bàn đạp sức mạnh về vị trí địa lý đối với Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai.
“Mỹ vẫn có thể xoay sở mà không cần tiếp cận các căn cứ ở Philippines, nhưng bàn đạp sức mạnh để tiến vào Biển Đông sẽ trở nên khó khăn hơn và có thể ít nhanh chóng hơn”, ông nói.
Theo Kang Lin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam, Trung Quốc, một phần cũng chính vì sức mạnh của mối quan hệ giữa Manila và Washington mà Bắc Kinh cũng rất muốn “chăm sóc” mối quan hệ với Tổng thống Duterte, vì nhà lãnh đạo này nổi tiếng vì những lần lên tiếng phản bác Mỹ.
So với những người tiền nhiệm, ông Duterte - người nắm quyền Tổng thống Philippines từ năm 2016, thân thiện với Trung Quốc hơn và cũng cứng rắn với Mỹ hơn về các vấn đề chính sách đối ngoại.
Suốt 4 năm qua, Philippines và Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đầu tư hàng tỷ USD và thiết lập cơ chế tham vấn nhằm xoa dịu căng thẳng các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Theo ông Grossman, Trung Quốc đã có một cơ hội để kéo Philippines về “quỹ đạo” của mình và đã làm tất cả những gì có thể để chia rẽ Manila khỏi đồng minh lâu năm.
“Làm vậy có thể làm suy yếu thỏa thuận quân sự của Mỹ với Philippines vốn được thiết kế không chỉ giúp Manila trong các chiến dịch chống khủng bố, mà còn kiềm chế tham vọng cũng như các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông nói.
Quan hệ đồng minh không dễ lay chuyển
Tổng thống Duterte không ngại dùng những từ ngữ làm “mếch lòng” Mỹ - chỉ mới tuần trước ông còn tuyên bố sẽ ưu tiên mua vaccine ngừa Covid-19 từ Nga và Trung Quốc sau khi các hãng dược phẩm phương Tây đề nghị trả tiền trước. Dù vậy, cố vấn chính sách tại Manila, ông Richard Heydarian, nói rằng các mối quan hệ giữa Mỹ với Philippines về hợp tác an ninh vẫn “bền bỉ hoặc thậm chí được đẩy mạnh”.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Reuters
Mỹ tổ chức hơn 300 cuộc tập trận quân sự với Philippines trong năm 2019, nhiều hơn bất cứ đồng minh nào khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo năm ngoái cũng nói rằng Hiệp ước quốc phòng song phương bao gồm cả vấn đề Biển Đông, trong khi Đại sứ Sung Kim nói rằng hiệp ước cũng sẽ được áp dụng với cả các lực lượng mà Trung Quốc từng sử dụng để bắt nạt và dọa dẫm các nước láng giềng ở Biển Đông.
Mỹ đã có bước chuyển đáng kể trong chính sách Biển Đông, khi tháng 7/2020, Washington tuyên bố bác bỏ phần lớn yêu sách của Bắc Kinh với các vùng biển tranh chấp, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay năm 2016, ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc.
“Chiến thắng của Manila khiến Mỹ dễ dàng nói rằng yêu sách đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) của Trung Quốc là không có giá trị và không có hiệu lực”, ông Grossman nói.
Mặc dù ông Duterte dường như “thân” với Trung Quốc hơn, nhưng câu hỏi nhiều người đặt ta là mối quan hệ này có thể duy trì bao lâu, đặc biệt là khi phần lớn những lời hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc vẫn chưa được thực hiện.
“Một mặt, ông Duterte muốn giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Một mặt, các quan chức hàng đầu khác muốn đảm bảo mối quan hệ với Trung Quốc sẽ không làm hỏng mối quan hệ với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh có những tranh chấp ở Biển Đông”, nhà phân tích Heydarian nói.
Dù vậy, khi Tổng thống Duterte kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục tìm cách củng cố quan hệ với Philippines. Bởi Tổng thống tiếp theo của Philippines, dù là ai cũng sẽ khó thân thiện với Trung Quốc như ông Duterte hiện nay.
Hoàng Phạm/VOV