Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc sáng 31/5 đưa tin, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa được cho là loại tầm trung mới nhất của nước này. Mặc dù vụ phóng dường như đã thất bại, nhưng đây là một trong những động thái khiến cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng trở nên khó kiểm soát.
Tên lửa của Triều Tiên rời bệ phóng. (Ảnh: KCNA) |
Theo nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc, tên lửa được phóng thử có thể là loại tên lửa tầm trung Musudan, nhưng nhiều khả năng đã phát nổ ngay sau khi rời khỏi bệ phóng.
Người phát ngôn Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, ông Jeon Ha-Gyu cho biết: “Triều Tiên đã phóng tên lửa lúc 5h20 sáng nay theo giờ địa phương (tức 3h20 sáng 31/5 theo giờ Việt Nam) ở khu vực Wonsan. Hiện tại Quân đội Hàn Quốc cho rằng vụ phóng đã thất bại. Quân đội Hàn Quốc cũng duy trì tình trạng sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động khiêu khích nào có thể xảy ra”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phát hiện các dấu hiệu Triều Tiên đang chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo và duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao. Theo một nguồn tin quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã triển khai một số lượng chưa thể xác định tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan trên các bệ phóng di động ở khu vực bờ biển Wonsan phía Đông Triều Tiên.
Trước đó, hôm 30/5, đài truyền hình NHK của Nhật Bản cũng đưa tin cho biết, Nhật Bản đã đặt quân đội nước này trong tình trạng báo động trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, đồng thời điều tàu khu trục và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẵn sàng bắn hạ bất cứ vật thể bay nào hướng về phía lãnh thổ Nhật Bản. Tình trạng báo động vẫn được duy trì ngay cả sau khi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã thất bại.
Phát biểu trong buổi họp báo sáng nay tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Không có tên lửa nào được xác định là bay về phía lãnh thổ Nhật Bản, vì thế, chúng tôi không coi đó là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản. Để áp dụng tất cả các biện pháp có thể nhằm bảo vệ mạng sống và tài sản của các công dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi đã yêu cầu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có các hành động cần thiết”.
Căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á leo thang kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1/2016 và tiếp sau đó là các vụ phóng vệ tinh và nhiều loại tên lửa khác nhau. Tên lửa Musudan được Triều Tiên triển khai từ năm 2007. Loại tên lửa này được thiết kế có tầm bắn tối đa khoảng 4.000 km, nghĩa là có thể nhằm tới bất cứ mục tiêu nào ở Nhật Bản cũng như các cơ sở quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.
Vụ phóng tên lửa sáng 31/5 là vụ phóng thử đầu tiên kể từ sau khi Triều Tiên tổ chức Đại hội lần thứ 7 Đảng Lao động Triều Tiên hồi đầu tháng này.
Giới chức quân sự Hàn Quốc từng dự đoán Triều Tiên có thể tiến hành thêm các vụ phóng tên lửa đạn đạo hay vụ thử hạt nhân thứ 5 bất cứ lúc nào, đặc biệt là sau những nỗ lực thất bại hồi tháng 4 vừa qua.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các động thái liên quan đến khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo hay tiến hành vụ thử hạt nhân mới và sẽ có những hành động đáp trả nếu cần thiết.
Thùy Linh/VOV