Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng bào thay đổi tập quán sản xuất. |
Về xã Tân Thuận, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước vườn thanh long đang mùa đơm bông kết trái của gia đình anh Thông Hải, ở thôn Hiệp Nhơn. Trước đây, anh Thông Hải thiếu vốn sản xuất phải đi làm ăn xa. Diện tích đất của gia đình chỉ trồng các loại cây màu hiệu quả kinh tế kém. Được chính quyền xã hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng thanh long VietGap, anh Thông Hải cùng nhiều hộ gia đình tập trung cho sản xuất. Được cán bộ kỹ thuật đến tận bờ ruộng giúp đỡ nên thanh long nhà anh Hải sinh trưởng rất nhanh, anh còn học hỏi thêm ở những hộ có thâm niên trồng thanh long lâu năm. Đến nay anh cũng như nhiều bà con Chăm không chỉ thạo các kỹ thuật thông thường mà còn biết cách “bắt” thanh long nở hoa, đơm trái theo ý mình bằng kỹ thuật chiếu sáng ngắt quãng ban đêm. Không chỉ đồng bào Chăm xã Tân Thuận mà các xã thuần đồng bào DTTS K’ho, Raglai ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng phủ xanh thanh long VietGAP, thay vì độc canh trồng cây bắp, mì, thanh long giúp đồng bào ổn định đời sống, giảm nghèo. Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, đồng bào Chăm thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí canh tác thành công với cây thanh long đạt tiêu chuẩn VietGap theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài trồng thanh long, đồng bào Chăm xã Hàm Trí còn trồng lúa, trồng màu xen canh mùa vụ vừa tăng năng suất, cải tạo đất lại cho thu nhập khá…
Nguồn vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất là những “đòn bẩy” tiên quyết góp phần tăng thu nhập cho vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đồng bào DTTS tỉnh được các ngành tỉnh, địa phương quan tâm đã triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế bằng các mô hình cụ thể như: Hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, hỗ trợ giống cây điều ghép cao sản PNI, bắp lai, cây ăn trái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, đồng bào còn được hỗ trợ vật tư nông nghiệp cũng như được học các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác phát huy hiệu quả sản xuất. Hàng năm, thông qua các lớp tập huấn, các tiến bộ kỹ thuật mới được các cán bộ nông nghiệp xuống tận cơ sở hỗ trợ đồng bào áp dụng vào sản xuất. Đến nay, nhiều hộ đã áp dụng sản xuất lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Trong sản xuất lúa, bắp đồng bào biết sử dụng giống chất lượng cao, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ độc canh cây lúa sang sản xuất xen canh cây màu. Áp dụng kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng lâu năm. Nhờ vậy, từng bước giúp vùng đồng bào DTTS thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, nhiều vùng sản xuất được hình thành. Tuy nhiên, khó khăn chung là việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vùng đồng bào DTTS tỉnh còn hạn chế, hiệu quả chưa cao do việc tiếp thu chậm, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất cho vùng đồng bào DTTS, ngoài sự quan tâm của các ngành, địa phương, đồng bào DTTS tỉnh cần chịu khó học hỏi, tìm tòi để tiếp thu áp dụng các kỹ thuật canh tác vào sản xuất hiệu quả.
T.Duyên