BT- Mặt trời vừa lên cao đã nghe tiếng nổ xình xịch của máy cắt cỏ, tiếng xe công nông nổ máy giòn ở những chân rẫy. Những vườn cây ăn quả ở thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Sông Bằng (xã Sông Bình, Bắc Bình) mấy năm nay xanh tốt, trúng mùa nhờ nguồn nước mát…
Nhờ nguồn nước, đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi trồng cây ăn quả. |
“Bây giờ làng đã đổi mới nhiều hơn trước, nhà nước quan tâm đầu tư kéo điện về thắp sáng, nhất là nguồn nước từ kênh Châu Tá 812, kênh Cà Giây mà đồng bào bám nương rẫy trồng lúa, làm vườn vươn lên có cái ăn cái mặc”, chị Hoàng Thị Hà người dân tộc Tày có 12 năm sống ở thôn Sông Bằng trò chuyện. Ði cùng chị ra rẫy, những cây mít cao quá đầu người vừa cho xong đợt quả ngọt. Chị Hà cũng như nhiều người trong thôn có lãi khá bởi giá mít bán ra khá cao, thương lái đến tận vườn thu mua. Nhìn ra xa vùng đất đồi núi nhấp nhô cây trái, những nương mì xanh ngắt nép mình dưới chân đồi như minh chứng sự sinh sôi nảy nở của vùng đất bao năm qua từng là nơi khô cằn, thiếu nước. Điều đáng mừng, từ khi có nước năng suất các loại cây trồng năm sau luôn tăng hơn năm trước, cũng như chăn nuôi gia súc phát triển. Thu nhập từ sản xuất không chỉ giúp đồng bào bảo đảm lương thực, mà còn tạo điều kiện tích lũy vốn để đầu tư, mua sắm phương tiện sinh hoạt, nuôi con ăn học, xây dựng những ngôi nhà kiên cố.
Sông Bằng là thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số của xã Sông Bình, trong đó phần lớn là các đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống. Người Tày - Nùng có quan niệm, thành quả mỗi mùa vụ không hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên mà còn phụ thuộc vào ý thức của con người. Trải qua những vất vả “một nắng hai sương” để thu hoạch mùa màng thắng lợi, người Tày - Nùng không quên nhắn nhủ con cháu hăng say lao động “một bát cơm chín đường cày”. Không chỉ trồng lúa, khi chủ động được nguồn nước tưới, người dân nơi đây đã học hỏi trau dồi kinh nghiệm trồng cây ăn trái đa dạng sinh kế. Chủ tịch xã Sông Bình - Lê Trường Long chia sẻ: “Toàn xã có 2 thôn Sông Bình, Đá Trắng thuần đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó thôn Đá Trắng vẫn còn nằm trong diện thụ hưởng chương trình 135. Từ các chính sách đầu tư của Nhà nước nhất là thủy lợi cộng thêm tinh thần vượt khó làm ăn, cho nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong xã dần được cải thiện. Có hộ thu nhập khá vươn lên giàu có”.
Những công trình thủy lợi đã phát huy
Tại huyện Bắc Bình, nhiều diện tích đất được đồng bào dân tộc thiểu số chủ động nước tưới. Đơn cử hồ chứa nước Cà Giây, đây là công trình cấp nước tưới chủ động cho 3.965 ha đất canh tác của toàn huyện. Sau khi được bổ sung nguồn nước từ thủy điện Đại Ninh thông qua kênh tiếp nước dài khoảng 9 km đã mở rộng diện tích khu tưới của công trình lên hơn 6.000 ha nên nông dân các xã Bình An, Phan Điền, Phan Hiệp, Phan Hòa, Phan Rí Thành sản xuất 1 năm 3 vụ ăn chắc. Những năm qua, việc giải quyết nước sản xuất cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh ưu tiên. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 35 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới cho hơn 6.700 ha bước đầu đã mang lại hiệu quả sản xuất cho người dân. Bên cạnh kết quả đạt được, do khó khăn về nguồn vốn, hiện nay vẫn còn một số công trình thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, chủ yếu là thiếu hệ thống kênh nội đồng để dẫn nước tưới nên chưa phát huy được nâng lực thiết kế. Khó khăn nữa là chưa được đầu tư các công trình thủy lợi điều tiết nước. Ở một số xã chưa thành lập được tổ hợp tác nước dùng ở cơ sở nên việc sử dụng kém hiệu quả. Cũng như đóng góp công sức, kinh phí thực hiện nạo vét kênh mương, kiên cố hóa kênh nội đồng, làm thủy lợi nhỏ còn hạn chế. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để giải quyết nhu cầu nước sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS, sở tổ chức rà soát danh mục công trình thủy lợi cần đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa để đề xuất đầu tư, ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí chi hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi hàng năm. Đồng thời vận động đồng bào tham gia làm thủy lợi nội đồng, sử dụng nguồn nước hiệu quả.
Thanh DuyêN