Hôm nay, đứa con gái lớn của tôi có nói rằng: Năm nay là năm đầu tiên con được chọn để tham gia đi rước đèn Trung thu nhưng nhà trường vừa thông báo là dừng tổ chức Lễ hội rồi mẹ ạ. Thế con có buồn không? – Tôi hỏi. Không đâu mẹ, năm nay con không đón, thì sang năm con sẽ đón nhưng các bạn cùng lứa tuổi với con hiện giờ ở những nơi vùng lũ đi qua đang rất khổ cực, vừa thiếu đồ ăn, rồi chưa được đến trường. Vì vậy mà con thấy việc làm này rất ý nghĩa vì có thể san sẻ và giúp đỡ được cho mọi người ở vùng thiên tai”. “ À mẹ ơi! Trường của con cũng đã phát động chia sẻ quyên góp ủng hộ với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách cùng các tỉnh miền Bắc vượt qua khó khăn. Mẹ cho con xin ít tiền để ủng hộ các bạn nơi vùng lũ mẹ nhé”, bạn ấy nói thêm. Và chẳng thể nào mà tôi không đồng ý với lời đề nghị thiết thực và ý nghĩa của con gái mình.
Chiều 12/9, UBND TP. Phan Thiết đã thông báo về việc dừng tổ chức Lễ hội Trung thu TP. Phan Thiết năm 2024. Thông báo nêu rõ, trong những ngày qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Đồng bào ở các tỉnh này đang gồng mình chống chọi với bão lũ, chịu nhiều mất mát, đau thương, thiệt hại về tài sản và người. Vì vậy, để thể hiện sự đồng cảm và chia sẻ với đồng bào miền Bắc, Ban tổ chức thông báo dừng tổ chức Lễ hội Trung thu thành phố Phan Thiết năm 2024. Kinh phí trao giải thưởng và kinh phí tổ chức Lễ hội Trung thu năm 2024 (do dừng không thực hiện) sẽ được Ban tổ chức chuyển hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Thông báo vừa được ban hành, đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Hồng Trang (Phường Phú Thuỷ - Tp Phan Thiết) cho rằng: Đây là một quyết định hợp lý, phù hợp với lòng dân. “Đành rằng là lễ hội truyền thống của tỉnh nhà, nhưng mình không thể tổ chức vui chơi trong khi các tỉnh bạn đang mất mát, tang thương”, chị Trang nói.
Tài khoản Thơm Vũ cũng đã bình luận trên trang Facebook của mình rằng: Rất đồng tình với quyết định của tỉnh nhà. Vui chơi thì lúc nào cũng được. Còn cứu nạn thì phải đúng lúc và kịp thời.
Những ngày qua, trong hàng loạt mối quan tâm thường nhật thì việc cập nhật thông tin về mưa bão ở khu vực miền Bắc và đau đáu với những nỗi lo, nỗi đau của người dân nơi đây đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người dân trong cả nước. Biết bao thông tin đau lòng, như: Sập cầu, lũ quét, lở núi, người chết, người mất tích, nhà cửa, tài sản trôi theo mưa lũ. Tang thương, gian khó bao trùm lên nhiều gia đình, miền quê. Trong khoảng thời gian ngắn, ấy vậy mà bao nhiêu nỗi đau chồng chất: vợ mất chồng, chồng mất vợ, con cái mất cha, mất mẹ trở thành trẻ mồ côi, nhà cửa, sinh kế bị vùi lấp, bị cuốn trôi theo mưa lũ.
Chính lúc này, tinh thần đoàn kết, nghĩa tình đồng bào lại càng ngời sáng. Biết bao câu chuyện cảm động về sự sẻ chia, lòng nhân ái dành cho người dân vùng bão lũ đã được viết lên. Đó là những người cán bộ, chiến sĩ đã không ngại gian khó, nguy hiểm đi vào tâm bão, tâm lũ để ứng cứu cho người dân. Đó là hình ảnh những chiếc ô tô lớn, nhỏ chạy chầm chậm thành hàng che chắn gió mưa cho những người đi xe máy liêu xiêu về được nhà an toàn khi gió bão hoành hành. Đó là, những người vô gia cư, không nơi nương tựa được đưa về những căn nhà trống, được cung cấp thức ăn, nước uống, chỗ trú ẩn an toàn trong bão tố. Hay như, tấm lòng của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh), nay đã ở tuổi 76, thấy đồng bào miền Bắc khổ sở vì mưa lũ đã quyết định đem sổ tiết kiệm 1 tỉ đồng mà ông để dành từ tiền lương hưu trí, đi dạy và cả tiền viết sách nhiều năm qua đi ủng hộ.
“Đồng bào”, một lần nữa được thể hiện trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Cũng như các tỉnh, thành trong cả nước, với tinh thần đoàn kết, với nghĩa tình đồng bào, Bình Thuận rất tích cực hỗ trợ, chia sẻ, ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.
Tỉnh ủy – HĐND - UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang; bà con kiều bào và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chung tay, góp sức ủng hộ kinh phí, các nhu yếu phẩm nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên, giúp đồng bào ở các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại bởi bão số 3 gây ra và nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào ở các tỉnh phía Bắc. Các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã, đang có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực để hỗ trợ cho người dân vùng bão lũ. Và người dân ở các địa phương trong tỉnh cũng đang tất bật, hối hả chuẩn bị cho hành trình tình nguyện cứu trợ. Mỗi người mỗi cách hỗ trợ, cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều chung một tấm lòng “Bình Thuận 86 – hướng về miền Bắc thân yêu”.
Bão lũ, gian khó, hiểm nguy rồi sẽ đi qua nhưng lắng sâu lại chính là nghĩa tình đồng bào. “Đồng bào” vẫn luôn ở đây, nơi trang nghiêm nhất trong trái tim con người. Và đây cũng chính là sức mạnh nội sinh, là động lực giúp hàng triệu người Việt Nam vượt qua mọi gian khó, chung sức đồng lòng, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.