Phát biểu với báo giới, ông Guterress nêu rõ: "Đây là thời điểm cần tới sự đoàn kết, không phải là thời điểm để chính trị hóa hay chia rẽ nhưng rõ ràng là chúng tôi cần sự hỗ trợ to lớn". Ông bày tỏ hy vọng HĐBA có thể đạt được sự đồng thuận cho phép sử dụng thêm cửa khẩu biên giới nhằm tăng cường khả năng thực hiện các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ từ Damascus vào Idlib.
Khoảng 4 triệu người sinh sống ở các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria đang dựa vào viện trợ nhân đạo được vận chuyển qua cửa khẩu Bab al-Hawa duy nhất trong khuôn khổ hoạt động viện trợ xuyên biên giới được HĐBA LHQ chấp thuận gần một thập kỷ trước. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển này đã bị ngừng lại sau khi xảy ra trận động đất mạnh hôm 6/2. Sau những gián đoạn do động đất, hoạt động vận chuyển hàng viện trợ của LHQ qua cửa khẩu Bab al-Hawa cuối cùng đã được nối lại vào ngày 9/2, khi một đoàn gồm 6 xe tải của LHQ băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria.
Cũng tại buổi họp báo, Tổng thư ký Guterres cho biết LHQ vào tuần tới sẽ ra lời kêu gọi quyên góp cho những nạn nhân bị ảnh hưởng trong động đất ở Syria. Ông nhấn mạnh thảm họa động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời đại hiện nay. Hiện chưa có đánh giá đầy đủ về mức độ thiệt hại cũng như quy mô khủng hoảng nhân đạo mà động đất gây ra.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh thông báo, cân nhắc tới độ lớn của trận động đất và những khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng ở miền Tây Bắc Syria, nước này cam kết viện trợ thêm ít nhất 3 triệu bảng Anh (3,65 triệu USD) hỗ trợ cho công tác tìm kiếm cứu hộ và hỗ trợ khẩn cấp ở Syria.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ triển khai một bệnh viện dã chiến, đội chăm sóc khẩn cấp trên không và máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ công tác điều trị khẩn cấp cho những người sống sót sau trận động đất.
Trong tuần này, Anh đã gửi hàng viện trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm lều, chăn và 76 nhân viên tìm kiếm, cứu hộ cùng các thiết bị liên quan.
Cùng ngày, đội cứu hộ đến từ Venezuela đã tới sân bay Gaziantep, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ công tác khắc phục thảm họa. Đội cứu hộ này gồm các chuyên gia khắc phục hậu quả động đất và chó cứu hộ, sẽ tập trung hoạt động tại quận Besni, thành phố Adiyaman.
Theo Bộ Nội vụ, Tư pháp và Hòa bình Venezuela, đến nay, hơn 50 chuyên gia, kỹ thuật viên, bác sĩ, chuyên gia về chăm sóc trong thảm họa, nhận dạng và tìm kiếm người cùng các thiết bị kỹ thuật liên quan đã được triển khai tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong khi đó, Hy Lạp ngày 9/2 đã gửi hàng nghìn lều, giường và chăn để giúp đỡ hàng trăm nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ bị mất nhà cửa do động đất. Theo Bộ Bảo vệ dân sự Hy Lạp, nước này có kế hoạch cung cấp tổng cộng 80 tấn hàng viện trợ như chăn, giường, lều và vật tư y tế cho Thổ Nhĩ Kỹ.