Theo dõi trên

Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

26/11/2024, 05:12

Nhờ gần dân, biết rõ mục đích vay vốn, đồng thời chia sẻ những khó khăn với nông dân trong quá trình đầu tư kinh doanh – sản xuất, tạo sự liên kết bền vững nên quỹ ngày càng được người dân trong vùng tin tưởng, tín nhiệm...

Gần dân để tăng trưởng tín dụng

Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Mê Pu được thành lập vào ngày 31/12/1995 và chính thức hoạt động vào ngày 10/1/1996 với số vốn ban đầu 50 triệu đồng và 60 thành viên ban đầu, đến nay quỹ đã có 1.815 thành viên với tổng nguồn vốn hoạt động lên đến 113 tỷ đồng. Gần 29 năm đi vào hoạt động với nhiều giai đoạn khó khăn, QTDND Mê Pu tận dụng thời cơ để vượt lên những thách thức kinh tế thị trường, từng bước đi lên, tự khẳng định mình, khai thác tận dụng những thuận lợi, tạo nên nền móng vững chắc để làm nền tảng phát triển bền vững. Với phương châm là hợp tác - phát triển – thân thiện - linh hoạt, lấy sự thành công của khách hàng làm sự thành công của quỹ.

zalo_158148865884348(1).jpg

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Quỹ TDND Mê Pu, cho biết: Hoạt động trên địa bàn chủ yếu là nông nghiệp nông thôn, điều kiện tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thời tiết, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, giá nông sản thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu nhập của người dân. Mặt khác, sự cạnh tranh của các ngân hàng thương mại đã lan rộng đến khu vực nông thôn làm hạn chế phần nào đến việc tăng trưởng tín dụng của quỹ, làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động chung của đơn vị. Nhưng với sự quyết tâm cao của hội đồng quản trị, ban giám đốc cùng tập thể cán bộ nhân viên của quỹ, cùng với sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Ngân hàng HTX chi nhánh tỉnh Bình Thuận, Liên Minh HTX tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, Quỹ TDND Mê Pu tận dụng lợi thế gần dân như quen biết, thăm hỏi bà con thường xuyên nên việc huy động và cho vay có nhiều thuận lợi. Hiện dư nợ tín dụng đạt trên 83 tỷ đồng, 5 năm liền Quỹ TDND Mê Pu không có nợ xấu, lợi nhuận sau thuế đạt trên 850 triệu đồng/năm. Bên cạnh kết quả kinh doanh đạt được Quỹ TDND Mê Pu được UBND tỉnh Bình Thuận tặng cờ thi đua yêu nước năm 2019 và nhiều bằng khen khác, được NHNN tỉnh Bình Thuận 5 năm liền xếp loại tín dụng hạng A.

Nhiều hộ khá lên nhờ vay vốn từ quỹ

Xã Mê Pu có 90% dân số là thuần nông, xã có diện tích đất canh tác nông nghiệp rộng nên nhu cầu vay vốn đầu tư rất cần thiết. Vì vậy, Quỹ TDND Mê Pu thành lập với mục tiêu chủ yếu là tương trợ về vốn để các thành viên đầu tư có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh ngành nghề dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Anh Lê Thiện – Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ TDND Mê Pu đưa tôi đi thực thế các mô hình vay vốn từ quỹ. Anh kể: Ở xã có nhiều nông dân vay làm ăn hiệu quả, kể chắc cả ngày không hết, dân khá, quỹ cũng mạnh theo là sự đồng hành bền vững cho cả đôi bên... Căn nhà khang trang của ông Phạm Quế sống tại thôn 7 như minh chứng cho lời anh Thiện. Ông Quế dù đã là tỷ phú trong vùng nhưng rất khiêm tốn, ông cho biết: Trước kia gia đình có diện tích canh tác trên 7 ha đất rẫy lại thuộc vùng núi rất cao của xã Mê Pu nên việc sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, mặt khác không có vốn đầu tư sản xuất nên gia đình chỉ để hoang đất hoặc chỉ trồng cây hoa màu, dẫn đến cuộc sống rất khó khăn. Năm 2017 được Quỹ TDND Mê Pu tạo điều kiện vay vốn 500 triệu đồng, cộng thêm một ít vốn tích lũy gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, đến nay mỗi năm gia đình tôi có lợi nhuận từ sầu riêng từ 1 - 2 tỷ đồng. Từ nguồn lợi nhuận, cuộc sống gia đình tôi khá lên mua được đất, xây nhà, mua xe và mở thêm được một cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu...

Còn chị Lê Thị Thanh Xuân ở tại thôn 1, xã Mê Pu, năm 2021 với số vốn vay 200 triệu đồng ban đầu từ quỹ để xây được trang trại nuôi heo, với 50 con heo ban đầu và đến nay đàn heo của chị đã lên đến 20 con heo giống và 300 con heo thịt. Không dừng tại đó chị chuyển sang thử kinh doanh mua bán mủ cao su và thấy hiệu quả, chị tiếp tục vay vốn 400 triệu đồng của quỹ để mở rộng kinh doanh và đến nay chị đã làm chủ được cơ sở mua bán mủ cao su với 10 điểm thu mua và tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động ở địa phương, với thu nhập bình quân đạt 7-9 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 1-1,5 tỷ đồng…

Lấy phục vụ khách hàng làm mục tiêu phấn đấu, lấy lợi thế gần dân để khai thác mọi nguồn vốn nhàn rỗi phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương, lắng nghe ý kiến của khách hàng để tự hoàn thiện mình là một trong những tiêu chí Quỹ TDND Mê Pu luôn tuân thủ thực hiện. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương án, các giải pháp tại Đề án củng cố và phát triển Quỹ TDND định hướng đến năm 2030. Thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mỗi cán bộ, nhân viên nâng cao ý thức, trách nhiệm, lấy mục tiêu phục vụ khách hàng làm trọng tâm cho hoạt động của Quỹ TDND Mê Pu...

NHỊ THIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Liên Hiệp Quốc: Năm 2024 là năm nhân viên cứu trợ nhân đạo tử vong nhiều nhất
BTO - Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, số nhân viên cứu trợ nhân đạo tử vong tại các khu vực xung đột trên toàn thế giới trong năm 2024 lên tới 281, mức cao nhất so với ghi nhận trong nhiều năm qua.
Nổi bật
Cụm thi đua các Hội Nhà báo miền Đông Nam bộ và TP. HCM ký kết giao ước thi đua năm 2025
BTO - Sáng 24/12, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Cụm thi đua các Hội Nhà báo miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết hoạt động năm 2024, đồng thời ký kết giao ước thi đua năm 2025. Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Xuân Hà - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng và lãnh đạo các Hội Nhà báo trong Cụm thi đua.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế