Đoàn viên Chi cục Trồng trọt và BVTV thu gom bao bì thuốc BVTV tại đồng ruộng. |
Trước đây và ngay cả hiện nay, tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng nằm vương vãi tại các vùng nước (ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch) là hình ảnh dễ bắt gặp ở nhiều địa phương. Đây là nguồn chất thải nguy hại lớn cho môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi. Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Việc sử dụng thuốc BVTV, ngoài tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm), bà con cần quan tâm đến việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Với mục đích thu gom rác thải BVTV xử lý đúng quy định, hạn chế nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường sống, trong giai đoạn II của Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, phát động từ tháng 10/2017 đến nay, Chi đoàn Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đã tổ chức thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng tại 4 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Qua 2 đợt ra quân, đoàn viên thanh niên chi cục cùng cán bộ của trạm ở các huyện đã thu gom được 845 kg rác thải thuốc BVTV tại các hố chứa bao bì thuốc BVTV. Toàn bộ số rác thải được tập kết về đại lý phân bón Xuân Trình (xã Phong Nẫm, Phan Thiết) và được xe chuyên dụng vận chuyển đi tiêu hủy đúng quy định. Ngoài ra, chương trình đã hỗ trợ thực hiện 14 hố chứa rác thải thuốc BVTV, tổ chức 100 lớp tập huấn cho gần 5.000 nông dân trên toàn tỉnh. Theo đánh giá, bước đầu chương trình đã góp phần nâng cao hiểu biết của bà con về những tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng khi ô nhiễm môi trường, tầm quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái, và hướng tới việc sản xuất nông nghiệp bền vững.
Anh Trần Đức Thiện - Bí thư Chi đoàn Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Đồng hành với chương trình, đoàn viên thanh niên của chi đoàn là lực lượng thu gom chính. Trong những năm đầu triển khai chương trình, do việc tuyên truyền không kịp thời nên nông dân chưa quan tâm đến việc bỏ bao bì thuốc BVTV qua sử dụng vào hố thu gom, hiện tượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vẫn xuất hiện trên đồng ruộng. Một số hố thu gom có rác sinh hoạt của người dân, thậm chí xác chết động vật, bóng đèn, thủy tinh…Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai chương trình tại Bình Thuận (từ năm 2012), việc thu gom bao bì, rác thải thuốc BVTV tại các địa phương đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo bà con nông dân. Nhiều hộ dân đã có ý thức tập trung bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đến các hố chứa theo đúng quy định, không còn hiện tượng bao bì thuốc BVTV vứt xung quanh khu vực hố chứa rác thải thuốc BVTV, rác sinh hoạt xuất hiện trong các hố thu gom giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để chương trình ngày càng lan tỏa, mang lại hiệu quả cao hơn, rất cần sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, đặc biệt là ý thức của chính nông dân trực tiếp sử dụng thuốc BVTV.
K.Hằng