Theo dõi trên

“Dòng sữa” ngọt Sông Quao

30/08/2022, 06:13

“Mời bạn về thăm quê tôi, dải đất xanh bên bờ biển Đông. Từ lịch sử 300 năm, bao anh em cùng chung một nhà. Sông Quao xuôi về Cà Ty, dòng sữa chung ngọt ngào, ngàn đời, ngàn đời nuôi nấng tình người”. Đó là những câu từ khi nói về Bình Thuận, về hồ Sông Quao mà tôi muốn mượn lời trong bài hát “Bình Thuận quê hương tôi”.

Công trình tầm cỡ quốc gia

Có lẽ đối với những người con Bình Thuận, hồ Sông Quao (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc) được ví như một kiệt tác thiên nhiên. Cộng với bàn tay, khối óc của con người, đã tạo nên một công trình thủy lợi hùng vĩ, ý nghĩa đối với đời sống nhân dân. Sông Quao là nhánh chính của sông Cái chảy ra cửa biển Phan Thiết. Nơi đây cách trung tâm TP. Phan Thiết khoảng 20km. Hồ Sông Quao được xây dựng từ tháng 9/1988, nhưng sau gần 10 năm, đến tháng 9/1997 công trình thủy lợi này mới hoàn thành và là một trong những công trình tầm cỡ, có ý nghĩa vô cùng to lớn với nhân dân Bình Thuận. Vào thời điểm đó, Bình Thuận với mạng lưới thủy lợi còn thiếu thốn, trong khi với đặc trưng là vùng đất khô hạn, nên đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính sự hình thành và đi vào hoạt động của công trình hồ thủy lợi Sông Quao đánh dấu một bước ngoặt mới về đời sống của nhân dân địa phương.

ho-thuy-loi-song-quao-anh-nl-1-1-.jpg
Hồ Sông Quao (ảnh Ngọc Lân)

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, theo thiết kế hồ Sông Quao có nhiệm vụ tưới cho trên 8.100 ha vụ hè thu và 1 vụ đông xuân xen màu, cấp nước cho thị xã Phan Thiết với lưu lượng 0,15 m3/s. Đáng chú ý, dù đến tháng 9/1997 hồ Sông Quao mới chính thức hoàn thành, nhưng năm 1993 đã đưa nước phục vụ nhân dân. Từ tháng 10/2002, Công ty Khai thác công trình thủy lợi đã lắp thêm 1 m, nâng chiều cao cửa lên cao trình 90 m. Nhờ vậy diện tích tưới được tăng thêm từ 1.000 - 2.000 ha. Ngoài ra, hồ Sông Quao được tiếp thêm nước của đập Đan Sách là nhánh cấp I của sông La Ngà. Công trình có diện tích lưu vực 296 km2, hồ chứa được 73 triệu m3 nước, đáp ứng việc tưới tiêu cho trên 23.000 ha lúa và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết.

ho-thuy-loi-song-quao-anh-nl-2-1-.jpg
Hồ Sông Quao (ảnh Ngọc Lân)
song-quao-hang.jpg
Hồ Sông Quao được nâng cấp, sửa chữa (ảnh K.H)

Kiệt tác của con người và thiên nhiên

Thủy lợi được coi là yếu tố giữ vai trò quyết định cho sự tăng trưởng về diện tích, năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, góp phần lớn giữ gìn môi trường sinh thái và phòng, chống thiên tai. Đối với người dân Hàm Thuận Bắc nói riêng và Bình Thuận nói chung, hồ Sông Quao công trình thủy lợi đầu tiên được xây dựng vào khoảng 10 năm tính từ những năm 80 trong thế kỷ XX. Theo thời gian, để đảm bảo an toàn hồ đập, vào năm 2004, hồ Sông Quao đã được gia cố lại toàn bộ kênh chính dài 27 km bằng bê tông cốt thép. Cuối năm 2008 kênh 812 - Châu Tá đã chuyển nước tiếp về kênh chính. Đặc biệt hiện nay, hồ Sông Quao từ hiện trạng bị xuống cấp, đã được nâng cấp hiện đại hóa bằng vốn WB8, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Bao gồm làm mới đường bê tông, hệ thống rãnh hạ lưu đập, tường chắn sóng, hệ thống điện chiếu sáng…

Không chỉ phục vụ sinh hoạt, sản xuất, hồ Sông Quao từ khi nào đã trở thành một điểm đến du lịch lý tưởng của tỉnh. Bởi đây là một thắng cảnh đẹp cuốn hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh. Chính sự hòa quyện của thiên nhiên, công sức của con người, đã tạo nên một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp, trên vùng đất đáng sống như Bình Thuận.

Đứng từ hồ Sông Quao, hướng mắt về phía hạ du là những cánh đồng lúa, bạt ngàn thanh long, hoa màu xanh tốt, nhờ những dòng nước mát từ các hệ thống thủy lợi. Có thể khẳng định, nhờ có thủy lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phát triển nhanh. Thủy lợi đã thật sự tạo niềm tin sâu sắc trong nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước. Góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, tăng nhanh số nông dân làm giàu chính đáng. Sông Quao - “dòng sữa” chung ngọt ngào, đã giúp nhiều vùng nông thôn Hàm Thuận Bắc yên tâm ổn định cuộc sống. Đây là một thành quả hết sức ý nghĩa cho một tỉnh khô hạn như Bình Thuận. Như lời chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Sau 30 năm, những công trình thủy lợi lớn nhỏ ra đời, từng bước biến giấc mơ Bình Thuận, từ một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, trở thành một tỉnh đủ đầy nước trong tương lai không xa.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đến năm 2022, Bình Thuận có 49 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng, với tổng dung tích 441,8 triệu m3. Riêng hồ Sông Quao đến nay đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành và thiết bị cảnh báo an toàn vùng hạ du đập.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng
Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đến các địa phương trong tỉnh về triển khai hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Dòng sữa” ngọt Sông Quao