Theo dõi trên

Đông về nhớ bắp chà vôi

17/11/2023, 06:22

Hôm nay, tôi sinh sống tại thành phố ngàn hoa, nhiều người còn gọi là thành phố cao nguyên, thành phố sương mù, thành phố du lịch… gọi như thế nào cũng hợp lý cả. Mùa đông về, khí trời Đà lạt se lạnh mang lại cho con người thật nhiều cảm xúc, thật nhiều tâm trạng.

Đà Lạt mùa đông có lẽ là mùa đẹp nhất, lúc này thời tiết đẹp và cảnh quan thiên nhiên cũng nở rộ đặc sắc nhất. Đây là thời gian có nhiều lễ hội trong năm nên một thành phố mang phong cách châu Âu như Đà Lạt cũng rất phù hợp để trải nghiệm giáng sinh và đón năm mới thật đáng nhớ. Và tôi hiện là công chức nhà nước, định cư ở thành phố; nhưng được sinh ra và lớn lên ở nông thôn “một nông dân chính hiệu”; “một sinh viên khoa văn vừa rời tay cày, tay cuốc” người thân thường gọi tôi như thế. Vì vậy mà những ngày khí trời hanh khô, se lạnh như thế này, tôi lại nhớ nhiều về cội nguồn, nhớ về vùng quê yêu dấu; nơi đó chiều chiều ngồi bên bếp lửa hồng hơ ấm và những kỷ niệm thời thơ ấu cứ lần lượt ùa về. Có những kỷ niệm chợt đến rồi đi, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó, nhớ nhất là kỷ niệm về nồi “bắp chà vôi” mà ngoại thường nấu cho cả nhà ăn khi mùa đông vừa đến.

ganh-hang-rong-2.jpg

Vào thời bao cấp ở thế kỷ trước trong nhà không có bếp gas, không có nồi cơm điện, không có nồi áp suất… nên muốn nấu một nồi bắp chà vôi thì phải bỏ nhiều công sức, lửa củi và tốn nhiều thời gian. Trước tiên là chọn những trái bắp trắng được phơi khô, lẫy lấy hạt cho vào nước ngâm với vôi ăn trầu một lượng thích hợp từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Cho vào nồi, bắc lên bếp lửa luộc đến khi hạt bắp mềm; vớt ra chà cho mày của hạt bắp và lớp lụa quanh hạt tróc sạch trơn, trắng nõn, mới cho nước vào để hầm bắp. Có thể cho thêm một ít đậu đen vào nấu chung. Với cách làm này của ngoại, khi ăn cho thêm một ít muối đậu phộng thì xôi bắp sẽ có vị bùi bùi của đậu đen, dẻo thơm của hạt bắp, cùng với độ béo của đậu phộng hòa quyện vào nhau khiến cho tôi xuýt xoa tới tận bây giờ. Những năm nghèo khổ, cơm không đủ ăn, việc ăn xôi bắp chà vôi như là một bữa ăn phụ, ăn thêm; nhưng cũng là thức ăn chính cho những gia đình đông con, còn nhiều khó khăn, nhất là những gia đình ít ruộng, lúa trồng không đủ ăn, phải lên vùng đồng bào dân tộc mua hoặc dùng một vật gì đó như thuốc lá, muối ăn… đổi lấy bắp khô đem về dự trữ như một thứ lương thực chính. Vì nhà đông anh em, nên mỗi lần làm bắp chà vôi ngoại tôi thường nấu nhiều, có thể ăn hai bữa trong ngày và tháng giáp hạt có thể mỗi tuần làm một lần. Lúc đầu ăn với muối đậu phộng có vị mặn, béo, ngọt, bùi… cảm thấy ngon miệng, sau đó ngán. Anh em tôi thay phiên nhau lục nồi lấy nước cá kho chan vào chén bắp cũng xong một bữa, qua một ngày ở một thời thiếu đói. Đa số những người sinh ra ở thập niên 60 hoặc đầu thập niên 70 của thế kỷ trước bây giờ trưởng thành ở thành phố đều có thời gian sinh ra và lớn lên ở nông thôn, chí ít cũng biết được vùng quê là như thế nào; nên khi nghe về xôi bắp hoặc bắp chà vôi sẽ không lạ lẫm gì. Đất trồng bắp là những nơi gò đồi hoặc là những vùng đất triền bưng không ngập nước, trồng vào thời gian đầu mùa mưa. Khi trái bắp vừa đều hạt có thể chặt cây bắp, bẻ trái vào luộc đem bán hoặc dùng làm bữa ăn trong gia đình. Số còn lại để ngoài vườn thì chặt ngọn phía trên trái (mỗi cây nên để 1 trái) cho những trái bắp căng tròn tiếp tục hút dinh dưỡng đến khi già, khô rồi thu hoạch đem vào treo giàn khói hoặc cất nơi khô ráo để dành dùng trong năm. Bắp có nhiều loại, nhưng thời bao cấp phổ biến nhất là bắp nếp và bắp lai. Bắp nếp trái nhỏ, nhưng hạt mềm, dẻo thơm ngon, ngắn ngày, dễ chăm sóc được nông dân ưu tiên trồng nhiều hơn nhằm mục đích cứu đói. Bắp lai thì trái to, dài ngày, có thể trồng được trên các vùng đồi, người dân thường trồng nhiều trên rẫy, thu hoạch với sản lượng lớn, phục vụ tốt cho việc chăn nuôi. Những hôm nào ngoại làm xôi bắp chà vôi, cả nhà vây quanh bên bếp lửa, chuẩn bị rổ, thau để chà bắp; nhất là những tháng đầu mùa đông là cả một sự ấm áp của không khí gia đình. Cái không khí ấy đã hơn 40 năm rồi, nhưng khi nghĩ lại lòng tôi luôn nghẹn ngào, nhớ về một thời nghèo khổ.

Vậy mà hôm nay, xôi bắp đã trở thành đặc sản; là món ăn sáng có mặt khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Món ăn phù hợp cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi trong xã hội. Nó vừa tiện lợi, nhưng lại cung cấp một lượng dinh dưỡng đa dạng và có ích cho sức khỏe con người. Theo phân tích của nhà chức năng trong mỗi phần xôi bắp có trung bình 8,3g chất béo, 51,3g tinh bột và 8,2g chất đạm. Ngoài ra, lượng vitamin và khoáng chất đa dạng trong thực phẩm này có thể kể đến như vitamin C, B1, B5, A, D… cùng với kẽm, đồng, natri, magie, canxi… Đối với trái bắp, từ rất xa xưa người nông dân đã đúc kết thành những câu ca dao về tình cảm gia đình và mối quan hệ xã hội, cụ thể như: Thà rằng ăn bắp chà vôi/còn hơn giàu có mồ côi một mình. Đông về ngồi nhớ nồi bắp chà vôi là tôi nhớ một thời nghèo khổ nhưng thật sự khó quên bởi sự yêu thương, bởi mối quan hệ trong cộng đồng họ tộc quê nhà.

ĐỖ VĂN CƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lan tỏa tinh thần thiện nguyện, vì cộng đồng từ đêm nhạc Kenny G Live in Vietnam
Tại buổi gặp gỡ báo chí trước Chương trình “Kenny G Live in Vietnam" chiều 13-11, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo chương trình khẳng định, toàn bộ kinh phí thu được từ bán đấu giá cây kèn của nghệ sĩ cũng như vé đêm nhạc sẽ được sử dụng cho hoạt động thiện nguyện.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đông về nhớ bắp chà vôi