Theo dõi trên

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận: Giai đoạn “nước rút” bàn giao mặt bằng

24/10/2019, 09:23

BT- Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bình Thuận đang gấp rút bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư đúng tiến độ đề ra.

                
Thi công khu tái định cư thị trấn Ma Lâm,    huyện Hàm Thuận Bắc.

 Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km, gồm 3 đoạn tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án trên 1.219 ha với 2.681 hộ, tổ chức bị ảnh hưởng. Dự kiến kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận hơn 2.700 tỷ đồng; hiện nay vốn đã bố trí cho tỉnh được 1.144 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa bố trí khoảng hơn 1.550 tỷ đồng.

 Sở Giao thông Vận tải thông tin, đến nay 5 huyện có dự án đi qua là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân đã thực hiện kiểm kê 2.675 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,8%; xét tính pháp lý cấp xã 2.644 hồ sơ, đạt 98,6% và xét tính pháp lý cấp huyện 2.586 hồ sơ, đạt 96,5%; niêm yết phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư (TĐC) 2.258 hồ sơ. Toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân 52,2% vốn đã được bố trí cho tỉnh. Đối với 5 khu tái định cư đáp ứng nhu cầu tái định cư của 259 hộ có đất bị thu hồi hiện đang đẩy nhanh tiến độ. Đã khởi công xây dựng 3/5 khu TĐC gồm khu TĐC tại thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh (Bắc Bình); khu TĐC thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc); khu TĐC xã Tân Lập (Hàm Thuận Nam). Việc di dời lưới điện 500 kV, 220 kV giao chéo với tuyến đường cao tốc đang được các đơn vị phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai di dời.

Vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên dẫn đầu đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội có buổi làm việc 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai về thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn 2 tỉnh. Đối với tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao công tác thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc - là tỉnh thực hiện tốt nhất trong 13 tỉnh có tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua trong cả nước. Trước yêu cầu cần bổ sung vốn cho Bình Thuận đủ kinh phí chi trả tiền đền bù cho các hộ dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải ngay đầu tháng 11/2019 bố trí vốn bổ sung cho tỉnh cũng như lưu ý các ban quản lý dự án phải có kế hoạch tiếp nhận và bảo vệ mặt bằng dự án sau khi tỉnh bàn giao. Về phía tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, thiết kế sử dụng khối lượng xỉ than tại Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Tuy Phong) để làm vật liệu đắp nền đường dự án, nhằm giảm giá thành dự án và giải quyết được các vấn đề về môi trường của địa phương. Đối với phương án giao chéo đường cao tốc với điện cao thế, Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thống nhất về kinh phí đền bù đường dây điện cao thế 500kV, 220 kV (do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý) giao chéo với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Tân.

T.D



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết 10 năm xã hội hóa lĩnh vực văn hóa
Thành phố Phan Thiết sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đến nay đã có những thành quả nhất định. Có được kết quả đó một phần là nhờ sự góp sức, đồng hành từ các tổ chức, doanh nghiệp gắn kết với địa phương.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận: Giai đoạn “nước rút” bàn giao mặt bằng