Theo dõi trên

Dự án nuôi bò sữa và bò thịt công nghệ cao tại Bình Thuận: Cơ hội tiêu thụ nông phẩm cho nông dân?

04/05/2017, 09:23

BT- 1. Trong tháng 4 vừa qua, sự kiện khởi công Dự án “Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa” tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình, do Công ty cổ phần sữa Thông Thuận làm chủ đầu tư được coi là dấu ấn lớn trong sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh. Trực tiếp tham dự và chứng kiến lễ động thổ dự án với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tôi cùng một số phóng viên Trung ương và địa phương có dịp được tác nghiệp trong không khí trang trọng, nhen nhóm niềm vui và hy vọng vào tương lai mới mẻ cho ngành nông nghiệp địa phương.

                
Nuôi bò công nghệ cao tiêu thụ nhiều thức    ăn như cỏ, bắp.

Trước đó vài ngày, nhóm phóng viên chúng tôi đã có chuyến đi thực tế để tìm hiểu về xúc tiến đầu tư, những thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế. Tại Công ty CP sữa Thông Thuận, ông Lê Bảo Nguyên- Phó tổng Giám đốc Công ty đã giới thiệu tới các phóng viên về tổng quan dự án với những con số đáng nhớ. Theo đó, dự án có diện tích trên 850 ha, với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Dự án này gồm có 3 khu: Khu chăn nuôi bò thịt, bò sữa công nghệ cao với quy mô khoảng 6.000 con bò thịt, giống nhập khẩu từ Úc và 20.000 còn bò sữa nhập khẩu từ Mỹ, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế; Cụm công nghiệp Sông Bình có diện tích 24 ha với 4 nhà máy, gồm nhà máy chế biến sữa, nhà máy giết mổ gia súc, nhà máy bao bì và nhà máy nước khoáng (trong đó, nhà máy chế biến sữa có công suất  100 triệu lít sữa nước tiệt trùng/năm, 90 triệu hũ sữa chua yaourt/năm và 85 triệu hộp sữa đặc/năm). Riêng vùng nguyên liệu có 826 ha trồng cỏ công nghệ cao do doanh nghiệp và nông dân trong vùng dự án cùng trồng.

2. Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp chọn vùng đất Sông Bình làm dự án, ông Nguyên tự tin trả lời rằng, công ty chọn nơi đây là bởi qua khảo sát, cho thấy thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này ôn hòa, phù hợp với điều kiện sống của bò. Thuận lợi nữa là nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy điện Đại Ninh đi qua địa bàn, nên sẽ đảm bảo nguồn nước quanh năm cho ngành chăn nuôi bò tại đây. Đáng quan tâm, theo kế hoạch của Công ty CP sữa Thông Thuận, khi phát triển dự án chăn nuôi công nghệ cao, doanh nghiệp áp dụng theo công nghệ châu Âu, đầu tư hệ thống vắt sữa tự động, giúp đỡ hao tốn nhân công, năng suất vắt cao (4 lần/ngày). Ngoài ra, về nguồn thức ăn cho bò, doanh nghiệp chọn các giống có năng suất cao như VA06 với sản lượng 500 tấn/năm theo công nghệ tiết kiệm nước. Ngoài diện tích cỏ công ty tự sản xuất chắc chắn sẽ không thể đáp ứng nhu cầu ăn hàng ngày của hàng ngàn con bò. Do đó, công ty buộc phải thu mua cỏ, trái và cây bắp của nông dân trong và ngoài khu vực. Theo lãnh đạo Công ty sữa Thông Thuận, hiện doanh nghiệp đang thu mua cây bắp của nông dân với giá dao động từ 1.100 đến 1.200 đồng/kg, cỏ khoảng 750 đồng/kg. Công ty sẵn sàng bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, liên kết hỗ trợ giống để bà con sản xuất, bán lại cho công ty.

3. Bắp là một trong những cây trồng được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay đang phát triển nhanh chóng. Trong đó, cây bắp là cây có hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác, đồng thời sử dụng nguồn nước ít hơn, do đó rất phù hợp với điều kiện khô hạn của tỉnh. Để tăng sản lượng bắp đáp ứng nhu cầu ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nâng cao thu nhập cho người dân, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phát triển diện tích gieo trồng bắp đến năm 2020 là 30.000 ha, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật với việc sử dụng các giống bắp có năng suất cao và tổ chức thâm canh để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, các mô hình trồng cỏ cũng đã và đang được nông dân các xã trên địa bàn Bắc Bình và Chí Công (Tuy Phong) triển khai trồng và cho năng suất cao. Ngoài việc phục vụ nhu cầu chăn nuôi tại hộ gia đình, nếu trồng diện tích lớn, nguồn tiêu thụ của loại nông sản này sẽ rất dễ dàng và giá ổn định khi nông dân liên kết với Công ty CP sữa Thông Thuận. Đây chính là cơ hội và là lời giải cho vấn đề đầu ra của một số loại nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án nuôi bò sữa và bò thịt công nghệ cao tại Bình Thuận: Cơ hội tiêu thụ nông phẩm cho nông dân?