Theo dõi trên

Dự án “than sạch” làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ ở Malawi

03/12/2023, 14:41

Dự án do Maria Kameta, 22 tuổi sáng lập giải quyết sự phụ thuộc vào than củi ở cộng đồng nông thôn.

anh.jpg

Maria Kameta dạy cho hơn 100 phụ nữ làm than bánh sinh khối.

Maria Kameta là một cô gái lớn lên ở vùng nông thôn Chisinga của Cộng hòa Malawi ở phía Đông Nam châu Phi. Hằng ngày, cô chứng kiến cảnh người dân trong làng, nhất là phụ nữ cứ lên rừng chặt cây mang về hầm than bán và làm củi nấu ăn cho gia đình.

Việc hầm than và nấu ăn bằng củi gây ra ô nhiễm khói bụi, người sử dụng có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Chính vì thế, Maria Kameta muốn có một nguồn năng lượng thay thế bảo vệ môi trường tự nhiên của đất nước mình cũng như phụ nữ trong cộng đồng mình sống. “Tôi thấy những bà, những chị rất vất vả, hằng ngày phải đi bộ rất xa để tìm củi mang về nấu ăn hoặc hầm than bán. Củi khan hiếm, đồng nghĩa với việc họ phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm”, Maria Kameta nói với tờ The National.

Năm 2022, nghiên cứu về các dự án môi trường, cô tự nhủ mình phải tạo ra bếp hai đầu đốt. Bếp này sử dụng bằng than bánh sinh khối hay còn gọi than sạch - một chất thay thế nhiên liệu sinh học làm từ vật liệu rẻ tiền như giấy vụn và mùn cưa, cũng như chất thải nông nghiệp như trấu và thân cây ngô.

anh-2.jpg

Than sạch được làm từ vật liệu rẻ tiền như giấy vụn và mùn cưa, cũng như chất thải nông nghiệp như trấu và thân cây ngô.

Maria sống với mẹ và sáng lập Dự án nấu ăn Mudzi, dạy cho hơn 100 phụ nữ trẻ trong cộng đồng cách làm than bánh sinh khối. Hiện cô đã chế tạo bếp này cho hơn 500 hộ trong cộng đồng của mình. “Là một người trẻ yêu môi trường, tôi nghĩ cần phải làm một cái gì đó để thay đổi thói quen nấu ăn bằng than và củi của người dân trong cộng đồng. Nhưng, nó phải là điều gì đó có lợi cho thiên nhiên và phụ nữ”, Maria nói. Cô nêu thêm, than bánh được làm từ rác thải sẵn có tại địa phương và thân thiện với môi trường.

Ngân hàng Thế giới ước tính, nạn phá rừng đã làm giảm độ che phủ rừng của Malawi từ 37% diện tích vào năm 1990 xuống còn 24% vào năm 2020. Sự mất mát này được cho là do mở rộng đất nông nghiệp, trồng thuốc lá, công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và chất đốt cho các hộ gia đình.

Theo Global Forest Watch, một ứng dụng giám sát các khu rừng trên thế giới, khoảng 90% trong số gần 20 triệu dân Malawi không được sử dụng điện. Ngay cả những người có sử dụng điện, chủ yếu ở khu vực thành thị, cũng hiếm khi dùng điện để nấu ăn vì giá thành quá cao.

Thời tiết cực đoan bao gồm lũ lụt và lốc xoáy, đã trở nên phổ biến hơn ở Malawi trong nửa thập kỷ qua. Vào tháng 3 cách đây gần 5 năm, đất nước này đã hứng chịu bão Idai hay còn gọi Xoáy Thuận Idai, một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất được ghi nhận ở miền nam châu Phi. Cơn bão đã cướp đi hơn 1.500 sinh mạng và hàng ngàn người bị thương khi phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của Malawi.

anh-3.jpg

Một người đàn ông vận chuyển than củi đến chợ ở thị trấn Phalombe, Malawi

Hồi tháng 3 năm nay, siêu bão Freddy đã tàn phá các khu vực phía nam nước này, ảnh hưởng hơn 2 triệu người ở 15 khu vực, 1.000 người thiệt mạng và gần 700 ngàn người mất nhà cửa. Chính phủ Malawi cho biết, hàng trăm người vẫn đang mất tích. Tổng thống Malawi Lazarus Chakwera cho biết, Malawi cần khoảng 700 triệu USD để tái kiến thiết cơ sở hạ tầng do siêu bão để lại.

Faith Tambuli, người tham gia dự án của Maria vào tháng 9 năm 2022 cho biết, dự án của Maria đã thay đổi cuộc đời tôi. Trước đây, tôi phải mất hàng giờ để nấu một bữa ăn, nhưng với chiếc bếp nấu bằng nhiên liệu sạch, tôi có thể chuẩn bị bữa ăn trong thời gian ngắn. Tôi cũng không gặp vấn đề gì về hô hấp. Hơn nữa, những bếp này không tiêu tốn nhiều củi, chỉ cần một bánh than nhiên liệu sạch là tôi có thể nấu được bữa ăn cho gia đình. Bếp có hai đầu đốt, giúp tôi nấu các món ăn cùng một lúc”, Tambuli nói.

Hồi tháng 1 năm nay, chính phủ Malawi đã thông qua Luật Lâm nghiệp để quản lý việc sử dụng than củi phòng ngừa phá rừng, đồng thời áp dụng các khoản phạt nặng đối với những ai sử dụng trái phép. Tarcizio Kalaundi, nhân viên giám sát và định lượng tại Mạng lưới Thanh niên Quốc gia về Biến đổi khí hậu Malawi đề nghị, Chính phủ nên nhân rộng các dự án như của Maria.

NINH CHINH (THEO THE NATIONALNEW)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-châu Phi: Kế hoạch nâng tầm ảnh hưởng
Việc tăng cường quan hệ với lục địa có 1,3 tỷ dân đang ngày càng quyết đoán trên trường quốc tế sẽ đem lại nhiều lợi ích trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây o ép bởi hàng chục nghìn lệnh trừng phạt.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án “than sạch” làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ ở Malawi