2 năm “đại hạn”
Bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 2020 kéo dài đến hết năm 2021, dịch Covid - 19 qua 4 lần bùng phát trong nước thực sự làm cho ngành du lịch địa phương lao đao nhiều lần. Hậu quả để lại là những thiệt hại hết sức nặng nề không thể lường trước, mà cho đến thời điểm này dù du lịch Bình Thuận đã mở cửa đón khách trở lại nhưng chỉ có thể phục vụ số ít đối tượng khách nội địa.
Nhìn lại 2 năm “đại hạn” do ảnh hưởng từ đại dịch, toàn ngành du lịch dường như bất lực trước sức càn quét khủng khiếp của cơn bão lớn và diễn biến phức tạp khó lường. Tác động tiêu cực của Covid - 19 buộc hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận có thời gian dài “đóng băng”, tất cả đều ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế phần lớn doanh nghiệp trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ buộc phải cắt giảm lao động hoặc cho nghỉ không lương, song vẫn phải duy trì cơ sở vật chất và chi trả nhiều chi phí liên quan… Với kinh doanh lữ hành càng cảm nhận rõ tác động của “bão” Covid, riêng tại Bình Thuận hoạt động này đã tạm ngưng từ tháng 2/2020.
Đánh giá tình hình phát triển kinh tế năm nay, UBND tỉnh cho rằng dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực du lịch. Thế nên cả năm 2021, lượng khách đến Bình Thuận giảm gần 45% (khách quốc tế giảm hơn 86%) và doanh thu từ hoạt động du lịch giảm gần 43% so với năm ngoái… Còn theo dự tính của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì 2 năm qua, ngành du lịch có thể thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng do dịch Covid - 19, trong đó năm 2020 trên 8.000 tỷ đồng và năm 2021 là khoảng 11.000 tỷ đồng. Dù vậy, đây chỉ là số liệu ước tính sơ bộ về thiệt hại trực tiếp từ việc sụt giảm lượng khách đến Bình Thuận, đó còn chưa tính các thiệt hại gián tiếp…
Chủ động thích nghi
Sau khi thí điểm cho một vài đơn vị hoạt động trở lại từ cuối tháng 10/2021, đến nay trên địa bàn Bình Thuận đã có hàng chục cơ sở kinh doanh lưu trú được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định kế hoạch đón khách. Tất cả các trường hợp này đều đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, cam kết thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trong hoạt động. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các cơ sở cũng đón khoảng 4.200 lượt khách chủ yếu đến từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang, Hà Nội… với thời gian lưu trú từ 1 - 2 đêm vào dịp cuối tuần.
Để thích nghi bối cảnh mới, ngành du lịch địa phương luôn tích cực chuẩn bị và triển khai nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, bồi dưỡng nguồn nhân lực hướng tới sớm phục hồi hoạt động. Cụ thể đã chủ động xin chủ trương và được lãnh đạo tỉnh thống nhất tổ chức 3 tập huấn: Marketing du lịch, bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc khách hàng hậu Covid - 19, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Tiếp đó ngành cũng xin chủ trương tổ chức “Chương trình gặp gỡ, kết nối giao thương doanh nghiệp du lịch tại các thị trường trọng điểm với Bình Thuận”, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12/2021 tại TP. Phan Thiết…
Cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp tham gia kích cầu hút khách, du lịch Bình Thuận tăng cường giới thiệu hình ảnh, thương hiệu “Bình Thuận điểm đến an toàn - thân thiện - hấp dẫn” trong bối cảnh mới. Tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Bình Thuận vào danh sách các địa phương được đón khách du lịch quốc tế vào đầu năm sau. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh tham gia các chương trình, kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch chung do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm nhanh chóng hồi phục thị trường du lịch thời hậu đại dịch.
Trong năm 2022, du lịch Bình Thuận sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách, tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm mới. Đồng thời đưa vào hoạt động Cổng thông tin du lịch thông minh và bản nâng cấp Website du lịch Bình Thuận (Việt - Anh) phục vụ du khách và đưa vào khai thác mới khoảng 3.500 phòng, nâng tổng số phòng lưu trú du lịch toàn tỉnh lên hơn 20.000 phòng… |
QUỐC TÍN