Tận dụng lợi thế
Sở hữu bờ biển dài 192 km với nhiều bãi tắm đẹp và đồi cát trắng hoang sơ, Bình Thuận có lợi thế vô cùng to lớn để khai thác tiềm năng, đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Thực tế cho thấy chỉ trong hơn 2 thập niên vừa qua, du lịch Bình Thuận từ khi hình thành đã có những bước tiến dài, khiến giới chuyên ngành phải thừa nhận không nơi đâu bùng nổ đầu tư du lịch như ở dải đất cực Nam Trung bộ.
Tận dụng lợi thế đó, Bình Thuận định hướng thúc đẩy du lịch phát triển xứng tầm và cụ thể hóa bằng nghị quyết phù hợp từng giai đoạn. Đặc biệt ngay đầu giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Quan điểm của địa phương là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm trọng điểm và chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng lẫn hiệu quả, khẳng định thương hiệu cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh…
Vào tháng 7/2017, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) như trên. Để tận dụng lợi thế hướng tới đưa du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch thì địa phương còn tập trung cơ cấu lại ngành, đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng cường xúc tiến quảng bá… Cùng với đó, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các đối tượng du khách.
Tại Bình Thuận, du lịch được xem là ngành kinh tế tổng hợp để tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư khai thác hiệu quả lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, thời tiết nắng ráo quanh năm, nghỉ dưỡng cao cấp, thể thao giải trí trên biển, trên đồi cát… Thống kê đến tháng 10/2020, toàn tỉnh có 576 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh với tổng số hơn 16.330 phòng, hiện đã xếp hạng 91 cơ sở. Gồm 3 cơ sở tiêu chuẩn 5 sao, 28 cơ sở tiêu chuẩn 4 sao, 17 cơ sở xếp hạng 3 sao, 17 cơ sở tiêu chuẩn 2 sao và 16 cơ sở tiêu chuẩn 1 sao, còn lại có loại hình khách sạn với 177 cơ sở, 217 nhà nghỉ, gần 560 căn hộ và 315 biệt thự cho thuê du lịch... Hiện nơi đây cũng có 60 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 23 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 30 chi nhánh văn phòng đại diện, văn phòng du lịch.
Tạo động lực mới
Giữa giai đoạn 2016 - 2020, du lịch địa phương tiếp tục đón nhận tin vui khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể có vị trí nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) với quy mô 14.760 ha, riêng diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000 ha… Khu du lịch quốc gia này sẽ được tập trung phát triển chiều sâu và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan. Đồng thời chú trọng chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác cũng như phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch. Hướng đến tạo bước đột phá đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, là một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, du lịch đang dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Lân |
Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chính thức ban hành quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, theo đó địa phương sẽ tổ chức lễ công bố quyết định công nhận trong tháng 10/2020 nhằm quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch… Có thể nói đây thực sự là động lực mới để du lịch Bình Thuận vươn lên xứng tầm khu du lịch quốc gia với mục tiêu đón 9 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt tổng doanh thu 24.000 tỷ đồng vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né tiếp tục hướng tới cột mốc đón 14 triệu lượt khách (có 2,5 triệu lượt khách quốc tế) và đạt doanh thu từ du khách khoảng 50.000 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển khu du lịch Phú Quý đến năm 2030 với định hướng trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển - đảo độc đáo. Mới đây, Phú Quý cũng chính thức được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh của Bình Thuận và theo quy hoạch phát triển trong 10 năm tới, huyện đảo phấn đấu đón 74.000 lượt khách (có khoảng 6.000 lượt khách quốc tế), đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và giúp giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động…
Không những định hướng phát triển xứng tầm, du lịch địa phương còn đón những “luồng gió mới” thông qua 2 lần tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận (năm 2017 và 2019). Bởi với tiềm năng và lợi thế không phải bàn cãi, vùng đất cực Nam Trung bộ bước đầu thu hút một số nhà đầu tư chiến lược trên lĩnh vực du lịch và sẵn sàng triển khai những dự án quy mô lớn. Nhờ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia.
Bước sang giai đoạn mới 2021 - 2025, Bình Thuận vẫn xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột: Công nghiệp (năng lượng, chế biến); Du lịch biển, giải trí, thể thao biển; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó sẽ thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển, tiếp tục khẳng định du lịch là nghành kinh tế mũi nhọn với thương hiệu điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng”…
Tính đến nay, trên địa bàn Bình Thuận có 387 dự án du lịch còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp 6.249 ha và tổng vốn đầu tư 69.845 tỷ đồng (trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 11.230 tỷ đồng), hiện 187 dự án đã đi vào hoạt động. Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, địa phương bắt đầu đón nhận những dòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm trên lĩnh vực du lịch. Có thể kể đến Tập đoàn FLC, Novaland, TMS, TTC... với tổng vốn đăng ký của mỗi dự án trên 10.000 tỷ đồng, quy mô từ 500 ha trở lên. |
QUỐC TÍN